Trước khi thông qua toàn văn luật, Quốc hội đã biểu quyết về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần với tỷ lệ tán thành 93,83%.

Theo đó, người tham gia trước khi luật này có hiệu lực (1-7-2025) sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1-7-2025 không được rút bảo hiểm xã hội một lần, trừ trường hợp đặc biệt.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý, như giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Người từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Luật cũng bổ sung quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng. Điều này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc những người tham gia không liên tục, khi đủ tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội vẫn được hưởng lương hưu.