Suy cho cùng hậu quả này một phần cũng do “bệnh thành tích” mà ra nhưng thử hỏi có bao nhiêu phần trăm giáo viên và ban giám hiệu nhà trường dám nhìn thẳng vào sự thật về hiện trạng mà vẫn ngó lơ để cho học sinh ung dung “ngồi nhầm lớp”.
Tôi kể 2 câu chuyện đại khái phần nào đó hạn chế tình trạng hạn chế đáng kể bệnh thành tích trong ngành giáo dục: Một là người mẹ khi thấy con mình cuối năm sức học còn yếu nên đến trường mạnh dạn xin cho con ở lại lớp, hai là cô giáo chủ nhiệm dứt khoát cho học sinh thi lại dù điểm trung bình cả năm chỉ thiếu 0,1 điểm.
Xin thầy cho con ở lại lớp
Giữa tháng 8-2018 theo như kế hoạch của nhà trường sẽ tiến hành kiểm tra lại học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học năm học 2017-2018, trong đó có em N. T. L. học sinh lớp 1. Trước khi nghỉ hè, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ôn tập lại kiến thức cho em L. để em đảm bảo có đủ chuẩn kiến thức và cho em kiểm tra lại, nhưng kết quả kiểm tra điểm bài làm của em vẫn không đủ yêu cầu xét hoàn thành chương trình lớp học để lên lớp 2 năm học 2018-2019.
Giáo viên chủ nhiệm mời mẹ em đến trường trao đổi và đưa cho mẹ em xem các bài kiểm tra lại của con mình, đồng thời nhắc gia đình trong những ngày nghỉ hè sắp xếp thời gian để kèm cặp em thêm và đầu tháng 8-2018 cô giáo sẽ tiếp tục đến nhà giúp em ôn tâp và sau đó cho em kiểm tra lại lần 2. Mẹ em đồng ý với cô giáo sức học của con mình rất là yếu, học cuối năm chỉ viết được vài con chữ đơn giản còn toán chỉ tính toán được cộng trừ trong phạm vi 5 mà thôi. Phụ huynh vui vẻ nhận lời hợp tác phối hợp cùng với cô giáo kèm cặp em Lộc cho đảm bảo đủ kiến thức để kiểm tra lại đạt kết quả tốt.
Ngày nhà trường cho học sinh kiểm tra lại không thấy phụ huynh đưa em đến trường nên trong lòng rất lo lắng, dù trước đó hai ngày cô giáo chủ nhiệm đã nhắc nhở cho biết ngày giờ cụ thể kiểm tra lại. Cô giáo chủ nhiệm đành gọi điện thoại để nhắc chị tranh thủ chở con đến trường. Nhưng rồi phụ huynh này đáp: “Mấy ngày nay, tôi suy nghĩ rất nhiều. Con tôi học rất yếu, chậm hiểu bài, cô giáo có nhiệt tình ôn tập, kèm cặp và thương tình cho nó lên lớp 2. Thiệt tình tôi nghĩ nó học cũng không nổi đâu, trí óc của em còn non nớt học mười mà chưa nhớ một, em lên lớp 2 cao hơn học không vô đâu. Tôi xin cho con ở lại lớp 1 để năm học tới nó học vững, cho tốt hơn”.
Lần đầu tiên trong đời dạy học và làm quản lý giáo dục, tôi mới thấy có người mẹ xin cho con của mình ở lại lớp do biết trình độ và năng lực của con mình còn hạn chế.
Thiếu có 0, 1 điểm sao không cho con tôi lên lớp
Buổi họp phụ huynh cuối năm lớp 10A9 của trường THPT X, huyện Củ Chi, TPHCM năm học 2017-2018 không khí trở nên nhộn nhịp sôi nỗi hẵn lên khi cô giáo chủ nhiệm công bố xong học lực điểm trung bình cuối năm của từng em, tên em nào được cô giáo nêu đề nghị nhà trường khen thưởng thì phụ huynh em đó mặt mày hớn hở vui vẻ. Còn em nào có học lực yếu phải ở lại, thi lại thì phụ huynh buồn ra mặt tỏ vẻ lo lắng rồi tâm sự hỏi thăm với nhau làm thế nào, có tốn kém bao nhiêu tiền cũng ráng lo cho con được lên lớp.
Còn về phía cô giáo chủ nhiệm phải cố gắng giải thích cho phụ huynh hiểu rõ thêm mấy câu hỏi khó, đại loại có phụ huynh hỏi: Cuối năm con tôi điểm trung bình chỉ thiếu 0,1 điểm, sao cô giáo chủ nhiệm không vớt cho nó lên lớp luôn mà phải cho nó thi lại chi cho cực cho em đến trường ôn tập hè.
Cô giáo chủ nhiệm trả lời với phụ huynh: Các trường hợp học sinh thi lại, nhà trường làm đúng theo điều lệ và công văn hướng dẫn của cấp trên, dù có trường hợp điểm trung bình cuối năm chỉ thiếu 0,1. Mong phụ huynh đôn đốc và theo dõi con em mình ôn tập cho thật tốt.
Sau buổi họp các phụ huynh bắt đầu tìm kiếm, hỏi thăm nhà riêng giáo viên phụ trách các môn con mình phải thi lại để ghi danh cho con được ôn tập với hy vọng con mình đến học nhà thầy cô thế nào thầy cô cũng chỉ đúng bài học, ôn sát đề cương, đúng trọng tâm đề thi và sau thời gian học thêm để thi lại chắc chắn con mình đủ điểm lên lớp. Phụ huynh hy vọng là như vậy nhưng có điều phụ huynh cần nghĩ lại trong năm học con mình còn yếu do chưa hoặc không nắm vững, không đạt chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu bắt buộc của các môn học nên theo quy chế nhà trường phổ thông học sinh đó phải ở lại hoặc thi lại, còn bây giờ bắt các em học thêm hè để nhồi nhét kiến thức cũng không mấy tác dụng vì sức tiếp thu con mình có giới hạn và thử hỏi trong một tháng các em học được gì và chuyện học thêm mong cho con mình đủ kiến thức thi lại, đủ điểm lên lớp chỉ tốn công sức của con và tiền bạc của phụ huynh mà thôi.
Thà là phụ huynh chấp nhận sự thật con mình ở lại lớp và để mấy ngày hè con mình được nghỉ ngơi thoải mái tinh thần, sang năm cha mẹ sẽ có kế hoạch dành thời gian theo dõi giúp đỡ con mình học một cách có căn bản để đạt yêu cầu cuối năm đàng hoàng đạt yêu cầu lên lớp.
Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn |