Bảo vệ “vốn quý” của Sơn Trà
Con đường dẫn lên Sơn Trà (TP Đà Nẵng) uốn lượn quanh co theo triền núi. Mùa này, núi rừng Sơn Trà phủ một màu xanh mơn mởn. Cứ đến những khúc cua nhất định, với chiếc áo trắng viền xanh, phía sau áo có dòng chữ “hãy dừng tay hành động cho khỉ ăn – hãy tôn trọng đời sống hoang dã của loài khỉ”, nhiều người thường xuyên bắt gặp hình ảnh các tình nguyện viên đứng gác, theo dõi không rời mắt, ngăn chặn hành động cho khỉ ăn của người dân và du khách mỗi khi đến đây.
Tại khu vực Miếu đôi đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), anh Lê Khả Thiên (tình nguyện viên, 38 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, đã thành thói quen, cứ vào khung giờ cao điểm, 4 đến 5 giờ chiều là đàn khỉ lại tràn xuống và chờ đợi. Chúng phản xạ rất nhanh, chỉ cần quan sát thấy một du khách mang theo túi ni lông là cả đàn ập đến.
Tranh thủ giờ rảnh rỗi, khoảng 2 tuần gần đây, em Trần Nguyễn Nam Tùng (tình nguyện viên, 19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Duy Tân) cùng với một số bạn bè trở thành tình nguyện viên ngăn chặn những hành động cho khỉ ăn trên bán đảo. Theo em Tùng, Sơn Trà cũng là một "lá phổi xanh" cần được bảo vệ bằng một hành động rất nhỏ là đừng cho khỉ ăn, hãy để chúng sống với tự nhiên, với tập tính của mình. Đừng vì một bức ảnh mà khiến những con khỉ rời bỏ núi rừng để trông chờ vào con người.
“Là một sinh viên, việc nhắc nhở hay tuyên truyền là những hành động đơn giản mà em có thể làm. Nhờ thế mà em có thể hiểu hơn về tập tính của loài khỉ vàng và học hỏi thêm về cách tuyên truyền từ những anh chị là thành viên của ban quản lý”, em Tùng cho hay.
Làm việc như thế, tuy nhiên, cũng không ít lần anh Thiện và em Tùng nhận được cái nhìn khó chịu hay có lời qua tiếng lại của người dân và du khách. Những lúc như vậy, các tình nguyện viên vẫn kiên nhẫn giải thích. Bởi trong thâm tâm, việc làm của họ đang góp phần bảo vệ những điều vốn quý tại bán đảo Sơn Trà này.
Cần sự chung tay
Tình trạng người dân và du khách cho khỉ ăn đã tồn tại vài năm trở lại đây, chủ yếu tại các khu vực như Miếu Đôi, trước cổng chùa Linh Ứng, khu vực trước quán Hoang Dã, cung đường ven bán đảo đoạn từ Hồ Xanh đi cây đa Sơn Trà.
Trước đó, các bảng cảnh báo, loa khuyến cáo đặt ở nhiều điểm tập trung người cho khỉ ăn không mang lại hiệu quả. Tháng 2 vừa qua, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phát động chiến dịch "tuyên truyền người dân, du khách không cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà" đến các trường học và nhận được nhiều đơn đăng ký tình nguyện.
Theo anh Đỗ Lê Ân, Phó trưởng Phòng Quản lý & Khai thác du lịch (Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng), đoạn đường tham quan có nhiều khúc cua nguy hiểm, độ dốc cao, việc dừng lại cho khỉ ăn đã gây ra hành vi khỉ tràn xuống đường tìm thức ăn từ du khách. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, sẽ giống một số địa phương, khỉ cướp túi, giật đồ ăn của du khách. Không những thế, Ban quản lý ghi nhận nhiều trường hợp gây tai nạn giao thông cho khỉ và du khách. Khỉ thì xe cán chết còn du khách thì bị ngã xe, trầy xước.
“Việc cải thiện ý thức của người dân và du khách cần thời gian dài. Đối với các giải pháp kiên quyết hơn như có chế tài xử lý, Ban quản lý cùng với ngành liên quan vẫn đang tiến hành nghiên cứu, tham mưu. Tuy nhiên, hành vi cho động vật ăn làm đánh mất bản năng tự nhiên thì vẫn chưa có luật hay thông tư nào quy định bởi nhìn chung cho động vật ăn lại là một hành vi nhân văn nhưng lại không phù hợp với trường hợp được áp dụng tại đây”, anh Ân chia sẻ.
Cùng đồng hành để sớm ngăn chặn hành động này, tổ công tác liên ngành Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Chi cục kiểm lâm thành phố đã tiến hành cắm chốt, bố trí nhân viên tham gia chiến dịch.
Theo anh Ngô Ngọc Tân, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn (Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng), hiện số lượng khỉ vàng xuống đường rất nhiều. Hạt kiểm lâm liên ngành Ngũ Hành Sơn – Sơn Trà đã phối hợp với ban quản lý và nhiều lực lượng khác để tuần tra, tuyên truyền. Tuy nhiên, nhiều người dân ý thức rất kém, khi không có lực lượng ở đây thì vẫn quay trở về tình trạng ban đầu. Hiện có rất nhiều bảng tuyên truyền ở đây nhưng họ vẫn làm ngơ và không hề quan tâm.
“Việc ngăn chặn hành động không cho khỉ ăn không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà còn là một phương thức để bảo vệ môi trường tự nhiên của những động vật sống trên bán đảo, cần sự tham gia của nhiều lực lượng mà đặc biệt là người dân địa phương”, anh Tân nhìn nhận.
Khỉ vàng có tên khoa học là Macaca mulatta, tên tiếng Anh là Rhesus Macaque. Khỉ vàng là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Khỉ vàng là loài linh trưởng phổ biến trên bán đảo Sơn Trà. Khác với Voọc chà vá chân nâu có phần nhút nhát, khỉ vàng khá dạn người. Những năm gần đây, hoạt động sống của loài khỉ vàng trên bán đảo Sơn Trà đang bị ảnh hưởng, trong đó có tình trạng vô tư cho khỉ ăn uống. Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng khuyến cáo người dân và du khách không nên cho khỉ ăn, bởi một số loại thức ăn có thể mang theo mầm bệnh cho chúng. Việc được cho ăn thường xuyên cũng khiến loài khỉ mất dần khả năng chủ động tìm kiếm thức ăn, dẫn đến suy giảm số lượng đàn, số lượng cá thể. |