Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) công bố, tính từ đầu năm đến ngày 20-3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt gần 5,45 tỷ USD, chỉ bằng 61,2% so với cùng kỳ. Do vậy, việc phái đoàn gồm đại diện hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tuần trước đang mở ra cơ hội cải thiện môi trường đầu tư.
Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cho biết, đại diện một số nước ASEAN nói rằng “phải nhanh lên vì phải cạnh tranh với Việt Nam - một điểm đến cho sự phát triển và cơ hội”. Thế nhưng, từ lúc nhà đầu tư quan tâm cho đến lúc họ “xuống tiền” thực sự còn một chặng đường. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, 30 năm trước, ông đã nghe nói về việc Mỹ sẽ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại cường quốc kinh tế số 1 thế giới này vẫn chỉ xếp thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế khoảng 13 tỷ USD. Con số này khá khiêm tốn so với Hàn Quốc (trên 81 tỷ USD), Singapore (72 tỷ USD) hay Nhật Bản (69 tỷ USD)…
Những số liệu mới nhất ở thời điểm khép lại quý 1 - 2023 cũng cho thấy, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Công, Nhật Bản..., vẫn chiếm tỷ trọng lớn, áp đảo trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong khi đó, có thể thấy các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu vẫn chưa thực sự dốc vốn; thêm vào đó, việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu tới đây sẽ có tác dụng “triệu hồi” các nhà đầu tư lớn, sở hữu công nghệ cao, công nghệ lõi về chính quốc. Điều này có nghĩa Việt Nam vẫn phải trông chờ vào dòng vốn khu vực, xuất phát từ những nền kinh tế đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia Joonsuk Park, Giám đốc khối Kinh doanh quốc tế, khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp (HSBC Việt Nam), nhận xét, chưa có gì đột biến trong xu hướng đầu tư nước ngoài, cũng có nghĩa Việt Nam cần tiếp tục chú trọng thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia trong nội khối châu Á. Những biện pháp thu hút đầu tư truyền thống chưa hề cũ; song cần nâng chất. Cùng quan điểm, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, ông Nakajima Takeo, đề nghị đa dạng hóa chính sách ưu đãi, nới thời gian ưu đãi thuế doanh nghiệp thay vì giảm thuế suất, mở rộng bước lũy tiến thuế thu nhập cá nhân… và đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công. “Cái mà nhà đầu tư nhìn vào cuối cùng là tổng chi phí thực hiện dự án, bao gồm cả chi phí thời gian, chi phí cơ hội; chứ không chỉ là thuế suất”, ông Nakajima Takeo nhấn mạnh.