Clip quảng cáo của nữ ca sĩ, diễn viên C. cho một thương hiệu trà giải khát, đăng tải trên YouTube hôm 4-7, hiện đã có gần 18 triệu lượt xem. Cũng quảng cáo cho một thương hiệu nước giải khát đình đám, đoạn clip của ca sĩ B.P. hiện có hơn 24 triệu lượt xem.
Có nhiều lý do cho sự thành công của những clip quảng cáo dạng này. Trước hết, điều dễ nhận thấy, đó là xu hướng ăn theo tên tuổi của các nghệ sĩ. Những tên tuổi được “chọn mặt gửi vàng” dĩ nhiên đều là những ngôi sao trẻ sở hữu đội ngũ người hâm mộ hùng hậu. Và, ngay cả khi thần tượng của mình ra các sản phẩm chính thức, hay đó là những clip quảng cáo, họ luôn sẵn sàng cày lượt xem. Thậm chí, nhiều câu nói trong các quảng cáo còn trở thành hottrend (xu hướng thịnh hành) trong giới trẻ.
Tuy nhiên, sức hút của những đoạn quảng cáo này còn nằm ở kịch bản, bởi ý tưởng độc đáo. Những quảng cáo mang tính “cà khịa” của Huỳnh Lập, hay của Trung Anh 1977 Vlog… cho thấy, sự đầu tư chất xám đầy nghiêm túc mà vẫn giữ được cá tính của mỗi nghệ sĩ.
Việc “cài cắm” thương hiệu vào những clip quảng cáo này cũng nhẹ nhàng, hợp lý, thậm chí khiến khán giả xem đến hết mới nhận ra đây là sản phẩm được thực hiện theo đơn đặt hàng. Sự kết hợp quảng cáo này rõ là vẹn cả đôi đường. Nghệ sĩ không chỉ chứng minh mình đắt show, thu về số tiền không hề nhỏ, mà bản thân các thương hiệu cũng đến với khán giả một cách tự nhiên, không đi vào lối mòn của quảng cáo truyền thống.
Trên thực tế, thời gian qua, ngay trên sóng truyền hình cũng có những TVC bị cho là phản cảm, dung tục hoặc dài dòng, lan man, khiến khán giả phải lên tiếng phản ứng. Quảng cáo được đăng tải trên YouTube hay phát sóng trên truyền hình, dĩ nhiên có những sự khác biệt về thời lượng và càng ngắn, càng khó làm. Những con số từ vài triệu đến hàng chục triệu lượt xem trên YouTube, dĩ nhiên chưa thể đánh giá hết thành công của một clip quảng cáo. Nhưng có một điều hiển nhiên, khi những quảng cáo được lòng người xem thì thông điệp sản phẩm sẽ dễ dàng tiếp cận đến khách hàng nhiều hơn.