Ngày 23-8, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Hà Giang đã ký quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc khu dinh thự họ Vương (dinh Vua Mèo) mà trước đó đã cấp cho Phòng VH-TT huyện Đồng Văn, với lý do là cấp không đúng đối tượng. Quyết định này có thể được coi là đã giải quyết căn bản những kiến nghị của con cháu họ Vương về chuyện có hay không việc “quốc hữu hóa” dinh thự và tước quyền sở hữu của những người trong gia đình họ. Song vụ việc này đã mở ra hàng loạt vấn đề về nhận thức năng lực, trình độ chuyên môn... của cán bộ.
Sở TN-MT Hà Giang giải trình cho việc làm sai này là do “nhận thức chưa đầy đủ” của đội ngũ thực thi công vụ. Cụ thể, “lỗi” này được sở phân tích rằng do đã hiểu sai việc giao trách nhiệm quản lý, giữ gìn giá trị vật chất, kiến trúc của di tích, không để hư hỏng, xuống cấp, bảo tồn, tôn tạo, giới thiệu di tích, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam đồng nghĩa với việc giao cho huyện (Phòng VH-TT) quản lý bằng hình thức cấp giấy chứng nhận. Sở TN-MT cũng thừa nhận, căn cứ để cấp sổ đỏ trước đây là chưa phù hợp; chưa thực hiện công khai nội dung hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cho người có quyền lợi liên quan biết và tiếp thu ý kiến phản hồi của người có quyền lợi liên quan dẫn đến sự nhầm lẫn, thiếu sót không đáng có…
Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo của tỉnh cũng trần tình về vụ việc này là do năm 2012, địa phương rà soát các địa điểm thuộc quyền quản lý nhà nước để cấp sổ đỏ. Sau đó, tỉnh cấp sổ đỏ dinh Vua Mèo cho Phòng VH-TT huyện Đồng Văn để phụ trách quản lý đất đai và di tích. “Ở đây không có chuyện lợi dụng việc cấp sổ đỏ để phục vụ lợi ích của cá nhân mà vì việc chung. Hoàn toàn không phải chúng tôi cấp sổ đỏ dinh họ Vương là thu hồi đất giao cho lãnh đạo hay cá nhân”, vị này khẳng định.
Song buồn thay, ít ai biết là chỉ một tháng trước, tức ngày 24-7-2018, cũng chính Giám đốc Sở TN-MT Hà Giang Hoàng Văn Nhu lại ký một văn bản trả lời xung quanh vấn đề này với nội dung khác hẳn. Trong văn bản đó, sau khi viện dẫn nhiều căn cứ, cơ quan này đã khẳng định rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu di tích dinh thự họ Vương cho Phòng VH-TT Đồng Văn từ năm 2012 là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật”. Vậy điều gì đã khiến một đơn vị chuyên môn trong vòng 1 tháng ngắn ngủi lại đưa ra 2 câu trả lời hoàn toàn trái ngược nhau. Sự đổi trắng thành đen này là do năng lực chuyên môn yếu, nhận thức kém của cán bộ hay là biết sai mà cố tình bưng bít?
Quay lại vụ việc này, từ năm 2002, đã có ít nhất 2 văn bản nêu rất rõ quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia khu nhà họ Vương, không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp. Bộ VH-TT cũng từng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2002 khẳng định, không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được thừa kế hợp pháp. Rõ ràng, cấp sổ đỏ sai là việc của Sở TN-MT Hà Giang nhưng sai sót đó làm dấy lên những hoài nghi trong nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa hiện nay.
Và vấn đề đặt ra không còn chỉ ở lĩnh vực văn hóa nữa, mà câu chuyện còn mang tính thời sự ở bất kỳ ngành, lĩnh vực, địa phương nào cũng đã, đang và có thể xảy ra. Không thể đổ lỗi những sai sót đó do năng lực cán bộ yếu kém, do nhận thức sai; cũng không thể để đến khi sai sót được dư luận phát hiện và lên án, cơ quan chức năng mới vào cuộc và phát hiện có sai sót ngay từ chính đơn vị mình. Cán bộ sai sót, do nhận thức hay cố tình đi nữa, thì lãnh đạo đơn vị, địa phương đó ngoài sửa sai còn phải chịu trách nhiệm với nhân dân và khắc phục hậu quả.
Cấp sai sổ đỏ không chỉ là câu chuyện của năm 2012 nữa mà còn là chuyện hôm nay, của đội ngũ cán bộ tại thời điểm này mà nếu không có những nhìn nhận vào cốt lõi của vấn đề là năng lực, kiến thức và đạo đức của công chức thì sẽ không chỉ có di tích dinh Vua Mèo mà còn nhiều tài sản, đất đai của cá nhân, nhà nước sẽ bị cuốn vào vòng xoáy không minh bạch. Trong trường hợp này, thu hồi sổ đỏ cấp sai là lỗi “sai” có thể khắc phục được, nhưng có nhiều quyết định được đưa ra do nhận thức, trình độ nghiệp vụ yếu kém đã khiến những di sản tinh hoa nhiều đời của cha ông bị xâm hại, thậm chí biến mất... Vì thế, vấn đề đối mặt lúc này không phải là việc sổ đỏ cấp sai mà chính là làm sao kiện toàn và bồi đắp những khoảng trống của công tác quản lý, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ trong việc thực thi pháp luật.