Cụ thể, tại trang 165 có sử dụng khổ thơ trích từ bài Tết quê bà gồm 4 câu: “Bà tôi ở một túp lều tre/ Có một hàng cau chạy trước hè/ Một mảnh vườn bên rào giậu nứa/ Xuân về hoa cải nở vàng hoe”. Dưới khổ thơ này được chú thích tác giả là Anh Thơ; tuy nhiên, đây lại là thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Bài thơ được ông sáng tác vào năm 1941, đã được in trong Đoàn Văn Cừ toàn tập (NXB Hội Nhà văn, 2013). Sách cũng từng được trao giải Vàng ở hạng mục Sách đẹp của giải thưởng Sách Việt Nam 2014.
Điều đáng nói là sự “nhầm nhọt” này đã diễn ra trong một thời gian dài. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (sinh năm 1913), qua đời tại quê nhà Nam Trực (Nam Định) vào tháng 6-2004.
Cũng thời gian này, SGK Ngữ văn 8 tập 1 chính thức đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Nhưng suốt 16 năm qua, lỗi trên vẫn chưa được khắc phục dù sách vẫn được tái bản hàng năm. Bản in vừa được sử dụng cho năm học 2020-2021 là bản tái bản lần thứ 16.
Theo thông tin được ghi tại trang 1, hội đồng biên tập của sách gồm: Nguyễn Khắc Phi (tổng chủ biên), Nguyễn Hoàng Khung (chủ biên phần Văn), Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên phần tiếng Việt), Trần Đình Sử (chủ biên phần tập làm văn) cùng các cộng sự: Lê A, Diệp Quang Ban, Hồng Dân, Bùi Mạnh Hùng, Lê Quang Hưng, Lê Xuân Thại, Đỗ Ngọc Thống, Trịnh Thị Thu Tiết, Phùng Văn Tửu.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên NXB Giáo dục xảy ra vấn đề liên quan đến ứng xử với tác phẩm và tác giả. Vào năm 2017, nhà văn Trần Đức Tiến đã từng lên tiếng về vi phạm của NXB Giáo dục với các tác phẩm của ông.
Truyện ngắn Hoa cúc áo của nhà văn Trần Đức Tiến được xuất bản dưới dạng truyện tranh do Công ty Mỹ thuật và Truyền thông thực hiện, NXB Giáo dục cấp phép. Tuy nhiên, truyện tranh lại đứng tên tác giả Thu Hương và đã tái bản tới 8 lần; còn nhà văn Trần Đức Tiến thì hoàn toàn không hay biết.
Một tác phẩm khác của ông cũng bị xâm phạm là truyện ngắn Kỳ nhông trốn tìm. Truyện được đưa vào Tuyển tập thơ ca, truyện kể, câu đố cho trẻ mầm non (Thúy Quỳnh, Phương Thảo tuyển chọn, NXB Giáo dục cấp phép) nhưng lại tự tiện đổi tên tác phẩm thành Kỳ nhông chơi trốn tìm, và tên tác giả cũng được “rút gọn” thành Đức Tiến. Sách tái bản tới lần thứ 7 nhưng nhà văn Trần Đức Tiến cũng không hay biết.
Theo lộ trình, SGK Ngữ văn 8 hiện hành còn được giảng dạy thêm 2 năm nữa (hết năm học 2022-2023), tức là còn ít nhất 2 lần in tái bản. Việc tác phẩm của nhà thơ Đoàn Văn Cừ bị “gán” sang cho nhà thơ Anh Thơ không đơn thuần chỉ là chuyện “bé cái nhầm”, mà còn là cách ứng xử với những người quá cố. Với một hội đồng biên tập đông đảo và uy tín như vậy, lẽ nào lại không ai biết về sự nhầm lẫn này? Và giả sử, nếu biết, tại sao lại không chỉnh sửa? Có lẽ, đã đến lúc NXB Giáo dục cần có một động thái thực sự nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng quyền tác giả đến từ một đơn vị xuất bản hàng đầu hiện nay.