Chú Thành Khánh, tiếp viên xe buýt số 08, kể rằng, mỗi lần bị khách phàn nàn, đúng thì mình sửa, nhưng đôi lúc bị chửi oan thì phải kiềm chế để tránh gây gổ với khách. “Chú theo cái nghề này từ năm 2014, cũng gần chục năm, gặp rất nhiều dạng khách. Kiếm tiền mà, để nuôi con chú học đại học nên cũng ráng nhẫn nhịn”.
Vừa kể, chú vừa nhìn lên phía trên mấy băng ghế khách đang ngồi. Có một cậu bé tầm 10 tuổi lâu lâu lại nhìn lên loa thông báo điểm dừng. “Con xuống ở đâu? Nhớ để ý nghe loa nha con!”. Chú Thành Khánh nhắc đứa bé.
Chưa vào năm học mới nên đa số sinh viên về quê, xe buýt cũng thưa người. Tôi nhớ có hôm đi chuyến số 53 di chuyển về bến xe Lê Hồng Phong (quận 10), là một trong những chuyến xe đông sinh viên tại Làng Đại học Quốc gia, đông khách đến nỗi sinh viên phải tự chuyền tay nhau thu tiền mua vé. Như một thói quen, cô tiếp viên Thu Thủy hô to: “Mấy bạn gom tiền lại rồi đưa cho cô xé vé nha!”.
Cô Thủy trên chuyến xe này có thói quen thu lại vé khi khách xuống xe. Có một bà cô lớn tuổi hỏi để làm gì, cô Thủy trả lời: “Con thu lại để cân ký rồi đem bán, cũng đỡ một phần khách vứt vé bừa bãi đó bà”. Gần ngay cửa lên xuống xe, cô Thủy luôn để một túi bánh to, hễ khách là mấy em bé hay người ăn xin, bán vé số, cô đều gửi tặng một phần bánh.
Nếu tìm kiếm trên mạng về vấn đề tiếp viên xe buýt, không ít lời tiêu cực và bình luận không hay về họ. Nào là than phiền về thái độ phục vụ, văn hóa ứng xử với khách trên xe… Đúng là đã có những sự việc không hay xảy ra giữa tiếp viên và hành khách, nhưng với tính chất công việc đi đường xa, mỗi lượt xe đi hoặc về trung bình hơn 2 giờ, khoảng 80 khách nên việc tiếp viên thiếu kiềm chế là chuyện khó tránh khỏi.
Nhưng câu chuyện tích cực về thái độ của tiếp viên đối với hành khách vẫn tồn tại. Việc làm tốt của họ thì ít ai biết đến, nhưng khi lỡ phạm sai lầm một lần thì y như rằng dư luận sẽ bàn tán xôn xao về họ, đổ lỗi dịch vụ trên xe buýt không tốt, không đáng tin cậy.
Sinh viên Võ Nguyệt Ánh (Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) cũng đi trên chuyến xe buýt số 08 về Bến xe quận 8. “Cô chú tiếp viên trên xe dễ thương lắm! Có lần trễ học, mình chạy từ ký túc xá ra trạm chờ, chú tài xế vẫn đợi mấy đứa sinh viên tụi mình”, Ánh chia sẻ.
Nhiều khi Ánh cũng gặp tiếp viên hơi nặng lời với mình, nhưng khi nghĩ lại, Ánh bảo do lúc đấy đang đông khách, mà Ánh lại đưa tờ 500.000 đồng trong khi vé cho sinh viên chỉ 3.000 đồng/lượt. “Lúc đó lỗi là do mình không chuẩn bị trước tiền lẻ, vì ai đi xe buýt thường xuyên cũng thuộc nằm lòng”, Ánh cười và nói.
Dù đã có nhiều đợt phát động nhưng nhiều người vẫn còn tỏ ra e ngại việc chọn xe buýt làm phương tiện đi lại. Tuy nhiên, thực hư câu chuyện cũng không thể dồn về một phía, bởi văn hóa ứng xử của hành khách trên xe buýt nói riêng và của người dân nói chung cũng rất quan trọng.
Những nguồn cơn từ văn hóa của người đi xe buýt, từ phương tiện khác hay cả người đi bộ… cũng là những trở ngại nhưng ít ai đề cập đến, mà hầu như chỉ hướng về cái chung là xe buýt và ngàn lẻ một câu chuyện...