Các ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng, Nghị quyết 128/NQ-CP (về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19) là chủ trương rất đúng đắn, sáng tạo và kịp thời. Nhưng khâu tổ chức vẫn là yếu tố quyết định sự thành công khi triển khai nghị quyết quan trọng này.
Linh hoạt áp dụng nhưng không trái quy định của Trung ương
Tại cuộc tọa đàm, vấn đề được các ý kiến nêu lên là vừa qua, trong phòng chống dịch, nhiều địa phương ban hành quy định mang tính cát cứ. Do đó, để thực hiện tốt Nghị quyết 128, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân. Các địa phương không đưa ra các biện pháp bổ sung không phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có quy mô toàn tỉnh, thành phố cao hơn quy định trong Nghị quyết 128 hoặc khi triển khai mà thấy hướng dẫn của bộ, ngành chưa sát thực tế hay khó triển khai, các địa phương có thể đề xuất giải pháp cụ thể; đồng thời gửi về Bộ Y tế để báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng nêu thực tế, vừa qua, trong lĩnh vực GTVT, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp đều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, tổ chức chưa đồng bộ dẫn đến bất cập. “Chủ trương đúng nhưng thực hiện ở các chốt kiểm dịch còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong vấn đề lưu thông, tạo bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí. Dứt khoát lần này chúng ta phải giải quyết bất cập này”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu quan điểm.
Đơn cử như ngành y tế đã quy định xét nghiệm có hiệu lực 72 giờ thì cả nước thực hiện 72 giờ, tránh việc có địa phương quy định chỉ có giá trị 24-48 giờ. Ông Thọ cũng cho rằng, Quyết định 4800/QĐ-BYT 2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128 là khung, còn vấn đề chi tiết thì các địa phương chủ động quyết định, song trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Y tế, tránh tình trạng địa phương tự ban hành các quy định không theo khung.
Tránh tình trạng các chốt tự quy định thêm
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng thông tin, Bộ GTVT đã ban hành các quy định về lĩnh vực đường bộ, hàng hải và hàng không (sau khi xin ý kiến Bộ Y tế). Đây là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước. “Đến ngày 20-10, sau khi thí điểm xong việc mở lại các hình thức GTVT, chúng tôi sẽ đánh giá lại để sau ngày 20-10 có hướng dẫn thích ứng được ban hành theo tinh thần Nghị quyết 128, ví dụ như tần suất có thể tăng lên cả về đường bộ, hàng không”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay và thẳng thắn chỉ ra, trong vấn đề lưu thông vận tải, điểm nghẽn là do các chốt kiểm dịch.
Do đó, phải xác định, các chốt không phải kiểm tra phương tiện mà kiểm tra người điều khiển phương tiện để phòng chống dịch. Quy định của Bộ Y tế đã rõ ràng nên cần tránh tình trạng các chốt mỗi nơi một kiểu, tự ý quy định thêm, gây bức xúc. Các địa phương cũng phải công khai cấp độ dịch càng sớm càng tốt, vì không chỉ liên quan đến giao thông mà còn một loạt lĩnh vực khác, nhất là du lịch.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết 128, phải khắc phục ngay vấn đề chốt liên tỉnh. Thực tế, chốt liên tỉnh không có giá trị xét về mặt dịch tễ cũng như GTVT, dẫn đến việc cát cứ. “Hiện nay, người dân rất bức xúc vì Chính phủ chỉ đạo nhưng xuống địa phương lại quy định khác. Người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh trái với quy định của Trung ương.
Do đó, phải đình chỉ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng “nhịp đập” của cả nước, hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói và nhấn mạnh, không thể để xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ.