Báo cáo, được gọi là “Đánh giá khí hậu quốc gia”, đã được công bố một cách lặng lẽ vào ngày 23-11, ngay sau lễ Tạ ơn. Báo cáo do 13 cơ quan cấp liên bang và 300 nhà khoa học hàng đầu của Mỹ cảnh báo về tác động xấu của biến đổi khí hậu trong đó có khí thải từ hoạt động khai thác dầu và khí đốt trên lãnh thổ của Mỹ.
Theo bản báo cáo này, với sự tăng trưởng liên tục về khí thải ở mức lịch sử, tổn thất hàng năm trong một số lĩnh vực kinh tế Mỹ được dự báo sẽ lên đến hàng trăm tỷ USD vào cuối thế kỷ - nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện tại của nhiều tiểu bang Mỹ.
Hơn nữa, một khi các quốc gia khác cũng phải chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước Mỹ sẽ nặng gánh hơn về giá nhập khẩu và xuất khẩu cũng như ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng ở nước ngoài.
Theo báo cáo, chỉ riêng ô nhiễm không khí từ các nhà máy phát điện và xe hơi tiếp tục tăng trong suốt thế kỷ 21, Mỹ có thể thiệt hại 155 tỷ USD mỗi năm về việc làm và 118 tỷ USD mỗi năm về tài sản ven biển.
Tổn thất về nhân mạng do nhiệt độ cực nóng và cực lạnh có thể làm mất 141 tỷ USD mỗi năm và hậu quả từ chất lượng không khí tồi tệ có thể là 26 tỷ USD mỗi năm.
Theo báo Guardian, việc giảm ô nhiễm toàn cầu được cho sẽ làm giảm đáng kể tổn thất này, nhưng đến nay, nội các của ông Donald Trump đã liên tục đi ngược lại các nỗ lực của nhiều chính phủ trên thế giới nhằm làm chậm biến đổi khí hậu. Kể từ khi rút khỏi Hiệp định Paris về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu, Tổng thống Donald Trump đã cố gắng giảm bớt những phát hiện nghiêm trọng về biến đổi khí hậu.
Theo Washsington Post, sự khẳng định của Tổng thống Donald Trump rằng nước Mỹ hiện là nơi “sạch nhất” là vô nghĩa, nội các của ông Donald Trump đã bỏ qua các quy tắc, các đề xuất bảo vệ không khí và nước. Lập luận cơ bản của ông Donald Trump chỉ thấy biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi một giải pháp toàn cầu.
Vì thế, Tổng thống Donald Trump cho rằng, nếu chỉ có nước Mỹ cắt giảm khí thải mà Trung Quốc không cắt giảm thì việc làm đó không có ý nghĩa, đồng thời sẽ làm tổn thương nền kinh tế của Mỹ.
Trên thực tế, theo báo Washington Post, 2 vụ cháy rừng ở California trong tháng 11 dự báo gây thiệt hại 19 tỷ USD cho bang này, các gia đình và các công ty bảo hiểm.
Năm 2017, cơn bão Harvey ước tính gây thiệt hại lên tới 125 tỷ USD. Bão và cháy rừng là những sự kiện thời tiết được cho là sẽ gây hậu quả ngày càng nặng nề hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Lượng mưa ngày càng lớn do bão, như bão Harvey là do không khí ấm hơn, giữ nhiều độ ẩm hơn.
Đám cháy như trong cháy rừng ở California lan nhanh hơn do địa hình khô cằn hơn vì nhiệt độ cao. Xem ra, những tác động về biến đổi khí hậu tại Mỹ đã không ủng hộ quan điểm của Tổng thống Donald Trump.