Thẳng thắn bình luận việc coi sạt lở công trình giao thông, sụt lún công trình xây dựng cơ bản là loại thiệt hại do con người gây ra, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Mặc dù cơ quan thẩm tra đã bác loại ý kiến này, nhưng nếu lối tư duy này không được phản biện thật mạnh mẽ thì sẽ xảy ra tình trạng nhập nhằng giữa thiệt hại do “nhân tai” với thiên tai để lợi dụng quỹ phòng, chống thiên tai trục lợi. Những sự cố môi trường cũng vậy, không thể coi tất cả là thiên tai được; nếu là do con người gây ra phải xử nghiêm theo pháp luật. Không có chuyện một số người khai thác cát bỏ tiền vào túi, đến khi sạt lở bờ sông thì ngân sách và người dân gánh. Cũng đã có hiện tượng xảy ra thiên tai thì một số người sẽ rất… vui vẻ vì có thể lợi dụng để được xoá nợ”.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét, xã hội rất quan tâm đến việc có quá nhiều quỹ, mà cơ chế huy động, quản lý chưa rõ ràng và chặt chẽ. “Phải quy định sao cho Luật không vô hình chung hợp thức hoá cho việc khai thác tài nguyên quá đáng, nhưng ngược lại, cũng không gây khó khăn khi cần sử dụng nguồn lực để khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai”, ĐB nói.
Đề cập đến tính chủ động trong ứng phó với sự cố thiên tai, ĐB Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM tỏ ra không bằng lòng khi nhận được trả lời chất vấn về việc xả lũ “bất thình lình” gây thiệt hại không đáng có cho người dân hạ du. ĐB phát biểu: “Tôi chất vấn Bộ trưởng Công Thương, ông ấy nói khi chuẩn bị xả lũ thì cơ quan vận hành hồ thuỷ điện đã gọi điện thoại di động cho cán bộ cơ sở nhưng không ai bắt máy. Không thể làm thế được mà phải có kế hoạch, có quy trình. Tất cả phải thông suốt, cả chính quyền lẫn người dân chịu tác động, Luật phải làm rõ được việc này”.