° PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết, chuẩn bị cho năm học 2019-2020, công tác tuyển dụng giáo viên tại TPHCM có những nét gì mới?
° Ông NGUYỄN HUỲNH LONG: Năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tuyển dụng 531 viên chức, trong đó có 443 giáo viên THPT và 88 nhân viên. Năm nay, thành phố tiếp tục mở rộng tuyển dụng đối với các ứng viên không có hộ khẩu thường trú tại TPHCM. Công tác tổ chức sẽ tập trung một số điểm mới. Thứ nhất, về hình thức tuyển dụng, ứng viên phải trải qua 2 vòng xét tuyển.
Vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn ứng viên thông qua phiếu đăng ký dự tuyển. Nếu phù hợp yêu cầu của vị trí việc làm thì người dự tuyển được tham dự vòng 2 - thực hành kiểm tra năng lực và trình độ chuyên môn trong thời gian 45 phút. Như vậy, sẽ không có vòng thi trắc nghiệm kiến thức chung trên máy tính như những năm trước.
Bên cạnh đó, người dự tuyển phải trực tiếp đến Phòng Tiếp dân (Sở GD-ĐT) đăng ký để được cung cấp mã số dự tuyển, sau đó sử dụng mã số này điền vào phiếu đăng ký dự tuyển trực tuyến.
Thứ hai, quy định “chặt” hơn về cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức. Trước đây, các đối tượng như thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Anh hùng Lao động được cộng 30 điểm vào điểm thi tuyển hoặc xét tuyển, thì nay chỉ được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi vòng 2.
Tương tự, đối với các đối tượng người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an, quân nhân chuyên nghiệp, con thương binh, liệt sĩ, năm học này chỉ được cộng 5 điểm vào kết quả thi tuyển vòng 2, thay vì được cộng 20 điểm vào tổng điểm thi như trước đây.
Thứ ba, năm nay TPHCM quy định chỉ tiếp nhận 10% trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức trên tổng số các trường hợp đăng ký. Quy trình xem xét tiếp nhận thực hiện chung với xét tuyển viên chức mới.
Các trường hợp được xem xét ưu tiên tiếp nhận gồm: ứng viên có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống; ứng viên đã là viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Ngoài ra, cũng từ năm học này, các cơ quan sử dụng công chức, viên chức được xác định điều kiện tuyển dụng công chức, viên chức theo yêu cầu vị trí dự tuyển, nhưng không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập hay ngoài công lập. Như vậy, quá trình tuyển dụng sẽ không phân biệt giữa bằng chính quy và tại chức, văn bằng 2, đào tạo từ xa…
° Thời gian tới, khi thực hiện chương trình GDPT, mới chắc chắn sẽ có sự sắp xếp lại đội ngũ giáo viên trong các trường phổ thông. Yêu cầu này ảnh hưởng thế nào đến công tác tuyển dụng giáo viên? Có hay không việc đẩy mạnh tuyển dụng đối với một số môn học đặc thù?
° Chương trình GDPT mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6, năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.
Như vậy, căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong chương trình GDPT mới, ngành giáo dục sẽ tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có, dự kiến số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng giáo viên dôi dư theo từng môn học, cấp học, làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, bố trí, sắp xếp giáo viên hợp lý, không để tình trạng thiếu giáo viên khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, nhất là giáo viên dạy những môn học mới. Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên phải gắn với vị trí việc làm, nên theo tôi không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển dụng.
Riêng với yêu cầu bổ sung đội ngũ giáo viên dạy tích hợp, liên môn, sở sẽ tiến hành rà soát, thống kê lại đội ngũ giáo viên nắm bắt khả năng dạy học liên môn, song song với việc phối hợp với các trường sư phạm để có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy học các môn tích hợp và chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn để dạy các môn tích hợp.
Trước mắt, Sở GD-ĐT đề xuất chương trình bồi dưỡng theo hình thức tích lũy tín chỉ nên giáo viên có thể sắp xếp thời gian hợp lý để theo học. Tính đến cuối tháng 5-2019, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM và Trường Đại học Sài Gòn tổ chức 5 lớp bồi dưỡng dành cho 830 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ở các cấp học.