Vừa qua, khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết, trong quá trình góp ý cho dự thảo luật này, nhiều địa phương đã viện dẫn việc nổ súng vào lãnh đạo ở tỉnh Yên Bái trước đó để đề nghị Chủ tịch, Bí thư tỉnh cũng nằm trong diện được bảo vệ đặc biệt, tức là phải có cảnh vệ.
Bên hành lang Quốc hội ngày 8-6, trao đổi với báo chí, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc đã cho rằng cảnh vệ là để tạo điều kiện thuận lợi cho các lãnh đạo làm việc. “Nhưng nếu chỉ dựa vào cảnh vệ không thì đánh mất đi nguyên lý rất quan trọng của chúng ta: đó là chúng ta phải dựa vào dân, phải gần dân”, ông Quốc nói. Chính sự an toàn của lãnh đạo là thước đo trong mối quan hệ với dân.
ĐBQH Dương Trung Quốc có quan điểm Bí thư, Chủ tịch tỉnh không cần thiết phải có cảnh vệ. “Điều đó đòi hỏi lãnh đạo phải sống đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và được dân yêu quý, dân bảo vệ. Đó là truyền thống của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ dựa vào cảnh vệ thì có thể tạo sự an toàn hình thức nhưng mất đi hình ảnh, phẩm chất của người cán bộ”, ông Quốc nêu quan điểm. Điều quan trọng hơn là phải rèn luyện thành một người cán bộ đúng nghĩa như Bác Hồ nói là “người cán bộ là đầy tớ của nhân dân”. Nếu quá chú tâm canh gác, bảo vệ thì sẽ làm cho lãnh đạo xa dân hơn mà sự an toàn chưa chắc đã có.
Cùng quan điểm với ĐB Dương Trung Quốc, ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Đại tá - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, cảnh vệ là biện pháp rất đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân. Trong Luật cảnh vệ có 18 đối tượng được cảnh vệ. “Tôi nghĩ, đến giai đoạn nào đó, không cần ai bảo vệ mới là văn minh, còn đi ra mà lúc nào cũng thấy người bảo vệ mình thì có nghĩa không an toàn”, ông Cầu nói.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, kể cả trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với nhân dân Đồng Tâm vừa qua thì đó cũng không phải là cảnh vệ mà là bảo vệ. “Cảnh vệ là bảo vệ yếu nhân, ở ta chỉ có 18 chức danh thôi, còn bảo vệ là tất cả những gì có tình huống đột xuất. Một đồng chí không chỉ là Chủ tịch, Bí thư tỉnh mà một nhà báo đi xuống khu vực nguy hiểm thì cũng cần phải bảo vệ”, ông Cầu lý giải.
Vẫn theo Đại tá Cầu, các sự việc vừa qua như vụ nổ sung vào lãnh đạo tỉnh Yên Bái, vụ Đồng Tâm.. cũng chỉ là hi hữu, vì vậy không thể lấy một sự việc mà đặt thành vấn đề tổng thể của quốc gia. Thậm chí ngay cả cảnh vệ, đến một giai đoạn nào đó cũng nên giảm, bởi xã hội càng ngày càng an toàn thì nên giảm cảnh vệ. “Cũng có thể đến giai đoạn nào đó bản thân các lãnh đạo thấy cảnh vệ chưa hẳn hợp lý. Tôi đã rất nhiều lần đi bảo vệ các đối tượng A1 (nguyên thủ), có những bác, những đồng chí không muốn xuất hiện ồn ào, mà muốn đi về cơ sở không phải trống giong, cờ mở, chỉ cần làm việc hiệu quả, chất lượng. Dân mình rất tốt, không ai làm gì đâu”, vị đại tá chia sẻ.