Nhân viên cây xăng này giải thích “đó là quy định từ trên, có gì không rõ thì gặp chủ cửa hàng”. Cửa hàng xăng dầu này thuộc hệ thống của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Phản hồi lại thông tin trên, chủ cửa hàng số 75 cho rằng, nếu khách hàng mua xăng sử dụng trực tiếp thì cửa hàng sẽ phục vụ. Nhưng khi mua xăng theo can với dung tích 20 lít, cửa hàng không biết khách hàng sử dụng với mục đích như thế nào. Điều này liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ nên không thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Thông tin về trường hợp này, đại diện Petrolimex cho biết, bán hàng theo can liên quan đến vấn đề an toàn cháy nổ và vấn đề tích trữ trong bối cảnh hàng khan cũng là việc cẩn trọng. Nhưng sự việc ở cây xăng 75, nhân viên đã máy móc. Nếu bán lượng ít, khi đã giải thích do xe chết máy, không thể đưa xe trực tiếp đến được thì cũng nên linh động phục vụ. Petrolimex đã yêu cầu các đơn vị cần linh động, không cứng nhắc quá trong bán hàng.
Còn theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, hiện tại pháp luật không có điều khoản nào cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, bằng can đem về. Bởi xăng dầu không chỉ phục vụ cho phương tiện đi lại như ô tô, xe máy…, mà còn phục vụ các sinh hoạt khác của người dân như vận hành máy phát điện, chạy ghe, chạy thuyền, đánh bắt thủy sản…