Không cam chịu trước nạn bạo lực gia đình

Diễn đàn “Xử lý nghiêm nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em” đã tiếp nhận thêm nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân, thảo luận giải pháp khắc phục nạn bạo lực gia đình. Báo SGGP giới thiệu ý kiến của các chuyên gia.      
Luật sư Trần Ngọc Nữ (bên phải) hướng dẫn một phụ nữ bảo vệ quyền lợi của mình. Ảnh: HOÀNG LONG
Luật sư Trần Ngọc Nữ (bên phải) hướng dẫn một phụ nữ bảo vệ quyền lợi của mình. Ảnh: HOÀNG LONG

Biết kiểm soát và cân bằng những cảm xúc

Một số cha mẹ nhận thức được rằng việc đánh con là không đúng, tuy nhiên bản thân họ lại không kiềm chế được cảm xúc. Thực tế, trong một số gia đình, nhất là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tâm lý cha mẹ thường chịu áp lực rất lớn, nên họ khó mà giữ được cảm xúc cân bằng. Khi kinh tế nghèo khó, sự bất hòa gia đình, vợ chồng thiếu lòng độ lượng, bao dung thì họ thường trút giận vào con cái, kiểu giận cá chém thớt.

Vì vậy, người lớn nên biết kiểm soát và cân bằng những cảm xúc, hành vi tiêu cực của bản thân. Cha mẹ cần phải thường xuyên chú ý đến hành vi của mình, bởi mỗi hành động trừng phạt về thể xác và tinh thần bao giờ cũng để lại hậu quả khôn lường. Do vậy, cha mẹ dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn cố gắng vượt qua được những khó khăn trở ngại để có thể giúp con cái ngày càng trưởng thành hơn.

Những phân tích, chỉ bảo, những lời yêu thương, những sự ân cần, những bài học trải nghiệm bổ ích sẽ thay thế những hành động bạo lực. Phải luôn giữ được cảm xúc tích cực để đi đến một quyết định đúng đắn.

Về mặt giáo dục, cần tác động vào nhận thức, nâng cao hiểu biết cho mọi người về bình đẳng giới và có kỹ năng phòng chống bạo hành. Cần giáo dục, tuyên truyền cho mọi người thái độ sống biết quan tâm, chia sẻ, và không cam chịu trước nạn bạo hành. Không vô cảm, bàng quan trước những hành vi bạo lực gia đình mà mình chứng kiến.

TS NGUYỄN VĂN CÔNG, TP Biên Hòa, Đồng Nai

Nâng cao nhận thức về vai trò và vị thế phụ nữ

Hiện nay không ít phụ nữ đang bị bạo lực gia đình nhưng không dám đối diện với vấn đề này, không biết hoặc không dám tìm kiếm sự trợ giúp cần thiết để được hỗ trợ. Để giúp các phụ nữ là nạn nhân khắc phục những khó khăn tâm lý này, cần phải chú ý tạo cho họ cảm giác an toàn để xây dựng niềm tin tích cực; nâng cao nhận thức về vai trò và vị thế của phụ nữ, cũng như các kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, biết được cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ bản thân trong gia đình. 

Khi đủ hiểu biết và có niềm tin thì các phụ nữ là nạn nhân sẽ sẵn sàng đối mặt với chồng của mình để giải quyết những khó khăn vướng mắc, qua đó làm cho chồng mình nhận ra vấn đề và có thể sẵn sàng chia sẻ, hợp tác.

Ngay từ khi bước vào cuộc hôn nhân, nên dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, yêu thương và không chấp nhận bạo hành. Xây dựng bầu không khí tâm lý tích cực, hòa thuận trong mỗi gia đình. Đó là biện pháp nền tảng, vững chắc để tạo sự bình đẳng và ngăn ngừa bạo lực. 

Để không trở thành nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, mỗi phụ nữ phải tích cực học tập, nâng cao hiểu biết và năng lực để không ngừng hoàn thiện bản thân; chủ động, độc lập trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế; cố gắng không phụ thuộc, dựa dẫm quá nhiều vào người bạn đời.

Đặc biệt, mỗi phụ nữ phải tích cực bồi dưỡng những kỹ năng sống, nhất là kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thiết lập các mối quan hệ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định… Đó là những kỹ năng quan trọng, vừa góp phần khẳng định giá trị của bản thân vừa thể hiện vai trò của mình trong xã hội. 

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN, Giảng viên Tâm lý học

Tin cùng chuyên mục