Trước mắt hoàn thiện Quy định về xin lỗi, phục hồi quyền lợi của đảng viên bị kỷ luật oan. Làm phải đúng, làm sai phải xin lỗi và cần phải có quy định cụ thể; không để oan sai cũng không để bị bỏ lọt. Thứ hai là Quy định về kiểm soát quyền lực trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong thanh tra, kiểm toán. Đây là 2 đề án đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương ưu tiên hoàn thiện, trình Bộ Chính trị xem xét, sớm ban hành ngay trong năm 2023.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, từ năm 2019 đến nay đã đổi mới tuyển chọn 438 vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng công khai, minh bạch; luân chuyển, điều động 9.000 cán bộ; đề xuất không xem xét 251 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện; phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan để điều động, phân công, bố trí chức danh khác phù hợp.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thay thế Quy định 205 năm 2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Cùng với các quy định khác của Đảng, Quy định số 114 được kỳ vọng sẽ từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, thao túng trong công tác cán bộ, bao che, tiếp tay cho những hành vi sai phạm trong công tác cán bộ. Quy định số 114 cũng sẽ giúp việc phân loại, định vị những hành vi, đối tượng “dễ dẫn đến sai phạm” trong công tác cán bộ; từ đó giúp hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng thuận lợi, hiệu quả hơn.
Hoàn thiện thể chế và tăng cường kiểm tra, giám sát để giữ vững kỷ cương, kỷ luật Đảng trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu bức thiết của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hàng loạt đảng viên, ở nhiều cấp bị xử lý thời gian qua vì liên quan đến các đại án “chuyến bay giải cứu”, Việt Á, AIC… đã phần nào nói lên điều đó. Nhưng cùng với đó là việc phải bảo vệ những đảng viên dám chống tham nhũng, tiêu cực; những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà các vụ án lớn về kinh tế hiện nay được tách ra nhiều giai đoạn và chia thành nhiều đối tượng khác nhau bởi có nhiều đảng viên với sức ép từ nhiều phía đã “vô tình vi phạm”… Đó là những vấn đề mà hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng cũng như quá trình thụ lý điều tra của các cơ quan chức năng phải làm rõ trước khi quyết định thi hành kỷ luật, khởi tố vụ án, xét xử trước tòa. Tất cả nhằm không để lọt tội và không để ai bị oan sai, đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ cương của kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước.
Cùng với Quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với đảng viên bị kỷ luật oan và Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; các cơ quan chức năng đang hoàn thiện Quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, Quy định về bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…
Hy vọng những quy định này sẽ sớm được ban hành để thể chế kiểm tra, giám sát của Đảng được hoàn thiện, ngày càng chặt chẽ, minh bạch, với sức chiến đấu cao hơn. Để không tổ chức đảng và đảng viên bị oan sai trong quá trình xử lý kỷ luật và không ai có thể “được lọt tội” vì những sai phạm của mình!