Do vậy, theo các chuyên gia, để người dân ủng hộ quy hoạch, chung tay phát triển đô thị, điều kiện tiên quyết phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Chậm giải tỏa, các bên đều bị… thiệt
Dự án chống ngập có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu trị giá 10.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sớm hoàn thành để góp phần chống ngập cho TPHCM nhưng đến nay ở nhiều khu vực vẫn chưa có mặt bằng thi công.
Mới đây, lãnh đạo thành phố tiếp tục đốc thúc các quận huyện liên quan “tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân đã thống nhất chủ trương di dời, hiến đất, bàn giao mặt bằng cho nhà nước mở đường giao thông, không khiếu kiện đối với phần đất đã hiến, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiếp tục triển khai công trình theo đúng tiến độ”.
Thế nhưng, vừa trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Trung Nam cho biết, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chậm. Và việc không có mặt bằng để triển khai thi công đã làm đơn vị thiệt hại trung bình 1 tỷ đồng/ngày, bao gồm tiền lãi vay, tiền khấu hao, thuê công nhân, máy móc, nhưng không thi công được…
“Đấy là tính theo lãi suất ưu đãi mà Tập đoàn Trung Nam được vay theo cơ chế khuyến khích xây dựng các công trình cấp bách phục vụ chống ngập cho TPHCM”, người đại diện này nói thêm.
Còn với người dân phải giải tỏa trong khu vực thi công của dự án, tất nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống, công việc bị đảo lộn, song như nhiều chia sẻ, vẫn không thể đi vì chi phí đền bù theo họ, chưa thỏa đáng, chưa đủ để tạo lập cuộc sống mới.
Ở phía Đông TPHCM, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được khởi công vào năm 2010 theo hợp đồng giữa Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và UBND TPHCM. Công trình dự kiến hoàn thành 36 tháng, kể từ ngày CII được bàn giao mặt bằng. Thế nhưng, những ngày này, mặt bằng của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội vẫn còn nhiều đoạn chưa giải tỏa.
Kết quả kiểm toán Nhà nước tháng 8-2019 về dự án này kết luận: “Công tác giải phóng mặt bằng chậm làm dự án thi công kéo dài tiến độ so với dự kiến ban đầu, phát sinh chi phí lãi vay cùng nhiều chi phí khác”.
Chỉ tính riêng chi phí bồi thường giải tỏa dự án mở rộng xa lộ Hà Nội qua tỉnh Bình Dương hiện tăng lên 2.780 tỷ đồng. Số tiền này đã tăng gần gấp đôi so với quyết định năm 2016 của UBND TPHCM về điều chỉnh bổ sung công tác đền bù giải tỏa mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với số tiền 1.410 tỷ đồng.
Đó là chưa kể những thiệt hại về giao thông và môi trường mà người dân phải gánh chịu. Nhiều đoạn trên xa lộ Hà Nội là điểm đen về giao thông của TPHCM. Và nhà thầu CII cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do bị đọng vốn, cán bộ, công nhân thiếu việc làm…
Trên đây không phải là những trường hợp cá biệt. Hầu hết dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kể cả hạ tầng xã hội mà Nhà nước tiến hành thu hồi đất của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đều chậm tiến độ vì vướng đền bù giải tỏa. Ở những công trình này, theo nhiều chuyên gia, các bên liên quan đều bị thiệt hại và nếu tính chung tất cả sẽ là những thiệt hại khổng lồ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Luật hóa cụ thể chủ trương đền bù
Nhà nước có chủ trương “đền bù nhà, đất cho người dân theo giá thị trường, đảm bảo cho người dân sau giải tỏa có cuộc sống bằng và hơn trước”. Đây là chủ trương đúng đắn, nhân văn và sòng phẳng với dân. Thế nhưng, ở nhiều nơi đã không làm được như vậy.
Cơ bản, để có cơ sở xác định giá thị trường, cơ quan chức năng sẽ thuê tư vấn nghiên cứu các giao dịch nhà đất thành công ở khu vực xung quanh, rồi cân đối thêm với một số chỉ số… ra mức giá đền bù cho người dân.
Không rõ các tư vấn này thu thập dữ liệu như thế nào, nhưng thông thường giá này thấp hơn khá nhiều so với giá thị trường. Hậu quả, nhiều người không đồng tình và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng luôn chậm và để lại nhiều bức xúc cho người dân.
Ở các vùng ngoại thành, có không ít trường hợp người dân sinh sống “lâu dài, ổn định, không tranh chấp đất đai với người khác” theo pháp luật về đất đai, có đủ điều kiện để làm giấy tờ nhà đất hợp pháp, nhưng vì cuộc sống khó khăn, nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ… họ chưa đi làm giấy tờ nhà đất.
Căn cứ vào tình trạng pháp lý nhà đất như vậy, nhiều địa phương đền bù cho người dân rất thấp, thậm chí không đền bù mà chỉ hỗ trợ. Nhiều vùng đã đô thị hóa từ lâu nhưng do vướng quy hoạch, người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Giá đất thực tế tại đó đã là giá đất ở, nhưng cơ quan chức năng vẫn áp giá đền bù theo mức giá đất nông nghiệp. Người dân không có đủ điều kiện tái lập cuộc sống mới, không chấp nhận mức đền bù… Những giằng co kiểu này có khi kéo dài nhiều năm.
Là một trong những người vừa nắm trọng trách ở cơ quan quản lý nhà nước, vừa là chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho rằng chìa khóa để giải quyết bất cập này là đền bù thỏa đáng cho người dân, đúng như tinh thần của Đảng và Nhà nước. Và để điều này được thực thi nghiêm túc, cần luật hóa các quy định về đền bù. Giá đền bù không chỉ nói chung chung theo giá thị trường mà phải thực sự là giá đang được giao dịch trên thị trường. Quá trình xác định giá này phải có đại diện thực sự của người dân trong khu vực bị giải tỏa tham gia. Giải được khúc mắc này, không những tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh mà còn không tạo ra những bức xúc trong dân khi nhà nước “vẽ” quy hoạch đường, cây xanh lên nhà dân… Bởi lẽ, thiết lập được nguyên tắc ấy, người dân có cơ sở để tin rằng khi nhà nước thực hiện quy hoạch họ sẽ đền bù thỏa đáng. |