Dịch vụ đo mắt

Không ai giống ai!?

Theo báo cáo sơ bộ, đến cuối năm 2004, trên địa bàn TPHCM có 413 cơ sở dịch vụ kính thuốc (tiệm kính thuốc), trong đó, chỉ có 192 tiệm có diện tích đạt chuẩn quy định, 29 tiệm có người phụ trách chuyên môn phù hợp. Chính vì vậy, chất lượng đo mắt và tròng kính tại các tiệm kính thuốc khá “loạn xà ngầu”.
Không ai giống ai!?

Theo báo cáo sơ bộ, đến cuối năm 2004, trên địa bàn TPHCM có 413 cơ sở dịch vụ kính thuốc (tiệm kính thuốc), trong đó, chỉ có 192 tiệm có diện tích đạt chuẩn quy định, 29 tiệm có người phụ trách chuyên môn phù hợp. Chính vì vậy, chất lượng đo mắt và tròng kính tại các tiệm kính thuốc khá “loạn xà ngầu”.

Một con mắt “tùm lum” độ cận

Không ai giống ai!? ảnh 1

Đo mắt tại Bệnh viện Mắt TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tại hiệu kính thuốc Sài Gòn Optic (46-48 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM), sau khi nghe tôi trình bày tình trạng của mắt, bác sĩ bảo ngồi vào ghế, để cằm, trán sát vào máy đo điện tử.

Bằng những thao tác đưa máy chiếu vào mắt và sau mấy tiếng “cạch, cạch”, máy đo đã cho kết quả, nhưng để thử lại “cho chính xác”, bác sĩ bảo tôi ngồi vào ghế bành và nhìn lên tấm bảng đèn có ghi những hàng chữ cái. Chỉ chưa đầy 2 phút, bác sĩ đo mắt đưa tôi phiếu kết quả với “mắt phải cận 0,50 độ, mắt trái cận 0,75 độ” và lấy lệ phí 10.000 đồng.

Chưa tin tưởng, tôi đến tiệm kính 53 Phạm Ngọc Thạch, quận 3 để thử lại. Cũng bằng những thao tác nghiệp vụ, “chuyên viên khúc xạ” ở đây cho tôi kết quả: “Cả mắt trái lẫn mắt phải đều bị cận 1 độ”. Đưa phiếu kiểm tra thị lực cho tôi, “chuyên viên khúc xạ” nói một câu quen miệng: “Ra ngoài làm kính nhé”.

Thấy tôi còn băn khoăn, cô nhân viên của tiệm nói thêm: “Ở đây đo điện tử chính xác lắm”.

Cầm 2 phiếu với 2 kết quả khác nhau tôi đâm hoảng vì không lẽ chỉ cách có mấy bước chân mà mắt đã lên độ nhanh thế? Tôi tiếp tục tìm đến tiệm mắt kính Salenoptic (201 Điện Biên Phủ, quận 3) vì thấy “quảng cáo” có thiết bị đo khám Carl Zeiss (Đức) duy nhất tại TPHCM.

 Làm xong thủ tục ghi phiếu và đóng 5.000 đồng, tôi được một “chuyên viên khúc xạ” kiểm tra mắt. Cũng bằng những thao tác nhanh gọn là cho máy điện tử đo rồi thử lại bằng cách nhìn bảng số treo trên tường, “chuyên viên khúc xạ” phán: “Mắt phải cận 1,25 độ, mắt trái cận 1,50 độ”.

Đến nước này, tôi quyết định tới thẳng Bệnh viện Mắt TPHCM. Tại đây, sau khi khám cẩn thận, bác sĩ Khoa Bán công Kỹ thuật cao của bệnh viện cho tôi biết kết quả: cả hai mắt đều cận 0,75 độ.

Tròng kính: Cỡ nào cũng có

Không ai giống ai!? ảnh 2

Người viết bài này đang đo mắt tại một cửa hàng mắt kính trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10.

Không chỉ việc đo mắt mới “loạn xà ngầu” như trên mà cả chuyện làm tròng kính cũng khiến nhiều người băn khoăn. Tôi cầm phiếu kết quả đo mắt đến một tiệm kính thuốc trên đường Phạm Ngọc Thạch quận 3, được nhân viên ở đây tư vấn: “Tròng plastic của Hàn Quốc giá 65.000 đồng/cặp, tròng phản quang của Nhật giá 90.000 đồng, còn tròng thủy tinh thì 35.000 đồng/cặp thôi”.

Thấy tôi chần chừ, cô nhân viên bồi thêm: “Tròng kính cận thì thế thôi, toàn hàng xịn cả, bảo đảm không trầy, xước”. Thế nhưng khi tôi hỏi lấy gì chứng minh xuất xứ của chúng thì cô ta không trả lời được.

Sang một tiệm kính thuốc gần đó, tôi cũng yêu cầu làm một bộ tròng kính cận theo độ ghi trên phiếu kết quả của Bệnh viện Mắt TPHCM, nhân viên cửa tiệm niềm nở: “Anh chọn loại nào, Việt Nam, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, cỡ nào cũng có. Mỹ, Nhật thì 200.000 đồng/cặp, đảm bảo chống tia cực tím, không trầy, không mỏi mắt khi ngồi máy vi tính, còn Hàn Quốc thì 160.000 đồng/cặp”.

Cầm phiếu kết quả đo mắt, tôi tiếp tục vào gần cả chục tiệm kính thuốc trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) và Lê Thánh Tôn (quận 1) nhưng không tiệm nào có giá giống nhau hay cho biết chất lượng kiểm định của các loại tròng như thế nào. Loại tròng nào cũng được rao là xịn, chống tia cực tím, chống trầy xước, không gây mỏi mắt...

Chưa quản lý chặt chẽ

Theo nhận định của nhiều chuyên gia về mắt, việc đo độ cận không chính xác dẫn đến đeo kính không đúng độ sẽ làm mắt bị cận nặng thêm, thậm chí nhược thị, lé. Để ra toa chỉ định về mắt cận, viễn hay loạn… với mức độ nào phải do bác sĩ chuyên về mắt kết luận. Vì vậy, ở các hiệu kính, nhân viên đứng máy đo kiêm luôn cả việc “ra toa” sẽ cho hậu quả… khó lường.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuyên, PGĐ Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, máy đo khúc xạ tự động (điện tử) chỉ là một yếu tố để kiểm tra mắt chứ không chính xác hoàn toàn. Quy trình đo mắt phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi khắt khe và kỹ thuật viên khúc xạ phải được đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hầu hết các tiệm kính thuốc chỉ đăng ký kinh doanh bán kính, công đoạn đo mắt chỉ là thứ yếu. Vì vậy, nguồn gốc thiết bị, nhân viên đứng máy như thế nào không được quan tâm. Một nhân viên bán kính trên đường Điện Biên Phủ quận 3 tiết lộ, chỉ cần bỏ vốn mua máy đo khúc xạ là có thể mở tiệm kính thuốc còn “chuyên viên khúc xạ” chỉ cần nắm vài thông số trên máy là đủ, nên kết quả loạn, cận hay viễn… là tùy máy móc.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TPHCM bức xúc: “Dịch vụ kính thuốc là một trong những loại hình hành nghề y dược tư nhân có điều kiện cần quản lý nhưng đến nay vẫn chưa có quy định chế tài cụ thể để kiểm soát”.

Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân và Thông tư số 01/2004/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 6-1-2004 quy định người đứng đầu cơ sở kính thuốc phải có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp y trở lên và có thời gian làm công việc chuyên môn tại các cơ sở chuyên khoa mắt từ 2 năm trở lên..., tuy nhiên, số cơ sở đạt được chuẩn quy định như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay, cơ quan quản lý cũng chẳng kiểm soát được.

Vậy là, mặc nhiên chất lượng đo mắt, làm kính, thiết bị, nhân viên ở các tiệm kính thuốc bị thả nổi và người dân tiếp tục chịu thiệt thòi, nhiều khi “tiền mất, tật mang”.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục