Cứ mỗi mùa mưa lũ, người dân lại phải chịu sức ép rất lớn từ thủy điện, nơm nớp lo việc xả lũ. Không chỉ người dân, mà các cấp chính quyền cũng mệt mỏi vì “suốt ngày lo chống lũ”.
Người dân làng Khe Bố (xã Tam Quang, huyện Tương Dương) nằm phía dưới thủy điện Khe Bố nhưng lại trong vùng lòng hồ thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông). Theo phản ánh của người dân, từ năm 2013, khi nhà máy thủy điện Khe Bố đi vào hoạt động và xả lũ lần đầu, các hộ dân ở làng này bắt đầu bị ngập úng, hư hỏng tài sản… Ngày 19-7, người dân nhận được thông báo thủy điện Khe Bố xả lũ qua loa truyền thanh, nhưng chưa đầy 1 giờ sau, nước đã đổ về, dâng ngập, khiến mọi người trở tay không kịp. Đặc biệt là ngày 30 và 31-8, một lượng nước rất lớn đổ về từ thủy điện Khe Bố khiến người dân phải “bỏ của chạy lấy người”, nhà cửa, đồ đạc… hư hỏng nặng, đến nay vẫn chưa khắc phục được. Người dân yêu cầu thủy điện Khe Bố đền bù, nhưng nhà máy này từ chối. Hiện 18 hộ dân làng Khe Bố đang xúc tiến các thủ tục để khởi kiện.
Ông Đỗ Văn Mạnh, Phó Giám đốc Nhà máy thủy điện Khe Bố, cho rằng: “Việc người dân phản ánh nhà máy xả lũ gây ngập lụt, chúng tôi đã nắm được. Tuy nhiên, nhà máy thủy điện Khe Bố hoạt động không có chức năng cắt lũ nên không thể nói là chúng tôi xả lũ gây ngập lụt”. Cũng theo ông Mạnh, nhà máy đã có hỗ trợ ban đầu cho các hộ gia đình bị thiệt hại, mỗi hộ 1 triệu đồng. Còn về việc người dân yêu cầu nhà máy đền bù thì phải chờ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định rõ nguyên nhân, trong đó cần xem xét cả thủy điện Chi Khê phía dưới.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau cơn bão số 4 hồi giữa tháng 8, thủy điện Bản Vẽ tích nước với cao trình 199,91m, cao hơn mực nước được quy định là 7,4m. Có thời điểm, thủy điện Bản Vẽ xả lên đến 4.263m3/giây và thủy điện bản Ang là 720m3/ giây. Cùng lúc, thủy điện Khe Bố cũng xả lũ đã gây ngập trên cao trình tại các xã: Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Thái và thị trấn Hòa Bình. Công tác cảnh báo lũ qua trạm quan trắc của thủy điện Bản Vẽ rất hạn chế, không đủ thời gian để xử lý khi có lũ từ thượng nguồn về. Còn thủy điện Khe Bố, không có trạm quan trắc kể cả thượng lưu và hạ lưu.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết, huyện đã nhận được kiến nghị của bà con làng Khe Bố. Huyện bước đầu cũng đã làm việc với thủy điện Bản Vẽ và yêu cầu hỗ trợ 15 tỷ đồng để di dời, tái định cư 33 hộ dân dưới hạ du của thủy điện này. Việc bị lũ lụt liên tiếp trong thời gian ngắn không chỉ gây mệt mỏi và lo lắng cho người dân mà cả lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đều chỉ tập trung vào việc phòng, chống và khắc phục lũ lụt, không làm được việc gì khác để phát triển kinh tế - xã hội. Ông Hải khẳng định, việc nhà máy thủy điện xả lũ chắc chắn là có ảnh hưởng đến việc ngập lụt hạ du. Việc này không ai có thể chối cãi được.
Ông Hải kiến nghị: “Chúng tôi đề xuất với các đoàn kiểm tra của tỉnh Nghệ An là cần phải giám sát chặt chẽ việc vận hành xả lũ của thủy điện. Quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay, theo tôi có vấn đề. Việc chưa có bản đồ ngập vùng hạ du của các nhà máy thủy điện theo quy định cũng khiến cho việc ứng phó gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà máy thủy điện gây ra ngập lụt, thiệt hại lớn cho người dân thì thủy điện phải có trách nhiệm. Nếu không có trách nhiệm, huyện sẽ có biện pháp mạnh, kiến nghị không cho tích nước, có thể kiến nghị đóng cửa nhà máy”.
Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, chỉ trong 2 ngày 30 và 31-8, thủy điện xả lũ đã gây thiệt hại nặng cho huyện. Cụ thể, có 322 nhà bị hư hỏng, trong đó 10 nhà bị sập, 10 nhà bị cuốn trôi, 39 nhà phải di dời khẩn cấp, 208 nhà bị ngập, 55 nhà bị sạt lở, hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, chia cắt; 3 điểm trường học, 1 trụ sở UBND xã, 1 trạm y tế xã bị ngập; 3 cầu treo bị sập mố cầu; 7,48ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 33 lồng cá bị hư hỏng, cuốn trôi… Tổng thiệt hại ước tính trên 70 tỷ đồng.