Khốn đốn vì tàu cá vỏ thép nằm bờ

Sau 3 năm thực hiện Nghị định 67 (nay thay thế bằng Nghị định 17) về đóng tàu vỏ thép, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến các bên  liên quan. Cụ thể, giữa ngư dân với công ty đóng tàu; giữa ngư dân với các ngân hàng… 

Lâm nợ, thua lỗ

Ông  Phan Thu (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, gần một năm nay tàu vỏ thép QNA - 95997 trị giá hơn 11 tỷ đồng (đóng năm 2015) của ông phải nằm bờ, bản thân ông đi làm thuê cho các tàu gỗ khác. Ông Thu là ngư dân tiêu biểu được chọn để đóng tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.

Tháng 11- 2015, nhà máy bàn giao tàu vỏ thép cho ông Thu. Tuy nhiên sau hơn 10 chuyến đi biển với nghề lưới rê hỗn hợp, hiệu quả mang lại không như mong muốn, thậm chí thua lỗ. Để tiếp tục hoạt động ông tự bỏ tiền ra cải hoán sang nghề lồng lươn. Dù năng suất cao nhưng giá lươn không cao vì trong quá trình di chuyển tàu rung lắc lớn dẫn đến lươn bị chết, thương lái mua thấp. Cố gắng duy trì được 2 chuyến đi biển, đến đầu năm 2017 ông đành cho tàu nằm bờ.

Ông Thu đã làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Quảng Nam và ngân hàng báo cáo tình hình hoạt động tàu vỏ thép của mình đồng thời đề nghị có những ưu đãi, hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Hơn 10 lao động trên tàu đã chuyển qua tàu khác, khoản nợ ngân hàng của ông Thu đã chuyển sang nợ xấu.

Theo ông Thu, nguyên nhân do tàu vỏ thép đánh bắt nghề lưới rê hỗn hợp ở một số vùng biển nước ta không phù hợp.

“Đánh lưới rê thì đánh cá lớn mới hiệu quả, chưa kể chỉ đánh được vài tháng mùa đông theo làn cá di cư. Những vùng biển đánh bắt trước đây thì không có cá, nơi có như khu vực biển từ tỉnh Quảng Trị trở ra thì mình không chen chân được, còn chỉnh sửa thiết kế sang nghề chụp mực sẽ tốn khá nhiều tiền tôi không đủ sức”, ông Thu nói. 

Cùng cảnh ngộ, tàu vỏ thép QNA - 94989 của ông Trần Công Chi (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) hiện cũng nằm bờ. Giữa năm 2015, tàu hạ thủy đánh bắt chuyến biển đầu tiên nhưng không đủ chi phí. Liên tiếp các chuyến biển sau đó đều lỗ nặng, ông Chi tìm cách chuyển đổi nghề, nhưng để chuyển thiết kế tàu từ nghề lưới rê sang chụp mực chi phí khá lớn (3 - 4 tỷ đồng).

Ông Chi vay mượn khắp nơi, làm thủ tục xin vay từ Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh, sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung hồ sơ nhưng ông Chi vẫn không đủ điều kiện để vay. Vậy là con tàu trị giá 12 tỷ đồng được đóng theo Nghị định 67 của ông đành nằm chờ. Đây cũng là tình cảnh của không ít chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay. 

Có thể thấy, việc nôn nóng trong đầu tư đóng tàu vỏ thép với thiết kế và ngành nghề đánh bắt chưa phù hợp đã dẫn đến nhiều hệ lụy và tốn kém cho ngư dân. Thống kê cho thấy, hiện Quảng Nam có khoảng 65 ngư dân được các ngân hàng cho vay theo Nghị định 67 (63 tàu đóng mới, 2 tàu nâng cấp), với tổng số tiền 729 tỷ đồng, nhưng đã có 13 tàu làm nghề lưới rê hỗn hợp bị lâm nợ do hiệu quả khai thác không như ý. Đồng nghĩa, các ngân hàng thương mại đang đứng trước tình trạng báo động nợ quá hạn. Tuy vậy, điều đáng lo ngại chính là những vướng mắc về pháp lý và quyền lợi của ngư dân với các bên liên quan trong việc đóng tàu vỏ thép. 

Đưa nhau ra tòa

Câu chuyện “nóng” nhất hiện nay chính là việc thưa kiện giữa ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) với Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng) kéo dài hai năm vẫn chưa có hồi kết.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 18-9-2015 ông Trần Văn Liên ký hợp đồng đóng tàu với Công ty cổ phần Đóng tàu Bảo Duy, thành phố Đà Nẵng (Công ty Bảo Duy) đóng mới một tàu vỏ thép làm nghề lưới chụp (số hiệu QNA 94679) giá trị khoảng 16 tỷ đồng (chủ tàu đối ứng 5% là 800 triệu đồng), số tiền đã được chuyển 8,5 tỷ đồng, còn lại 7,5 tỷ đồng sẽ chuyển khi nhận tàu.

Ngày 3-12-2015, ông Liên ký hợp đồng mua hệ thống thủy đẩy đồng bộ (máy chính hiệu Mitsubishi, công suất 940 CV, cộng 1 hộp số) với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Công ty Liên Á) giá trị 2,8 tỷ đồng để lắp đặt cho tàu. Sau khi hoàn thành lắp đặt, ngày 25-3 và ngày 28-3-2016, chuyên gia kỹ thuật của Công ty Liên Á, Công ty Bảo Duy và ông Liên tiến hành chạy thử, máy chính hoạt động bình thường, các bên đã ký biên bản hoàn thành việc nổ máy chính và chạy thử lần đầu. Ngày 29-3-2016, Công ty Bảo Duy  thuê thuyền trưởng vận hành chạy tàu qua cầu Mân Quang (Đà Nẵng) trước khi chạy đường dài (không có kỹ thuật viên của Công ty Liên Á) thì phát sinh sự cố, máy chính bị đứng máy. 

Khốn đốn vì tàu cá vỏ thép nằm bờ ảnh 1 Tàu vỏ thép của ông Trần Văn Liên nằm bờ hai năm nay do các bên liên quan thưa kiện nhau
Qua hai năm với nhiều cuộc thương lượng giữa 3 bên là Công ty Bảo Duy, Công ty Liên Á và ông Trần Văn Liên và kiện ra tòa, ngày 30-8-2016, TAND TP Tam Kỳ đã xử sơ thẩm và tuyên Công ty Bảo Duy phải bồi thường 2,8 tỷ đồng để thay máy mới cho tàu vỏ thép. Công ty Bảo Duy kháng cáo lên TAND tỉnh và phiên phúc thẩm (xét xử vào ngày 30-1) tuyên Công ty Liên Á phải bồi thường thiệt hại do sự cố hỏng máy. Sau đó, Công ty Bảo Duy đã thỏa thuận với ông Liên mua máy thủy mới lắp lại trên tàu vỏ thép QNA-94679 để ngư dân Trần Văn Liên sớm ra khơi. Đến nay, tàu vỏ thép QNA-94679 đã hoàn thành lắp lại máy mới nhưng ngư dân chưa nhận tàu. 

Theo ông Trần Văn Liên, việc thiết kế tàu của Công ty Bảo Duy không đảm bảo đúng hợp đồng khiến thời gian bàn giao tàu kéo dài gây thiệt hại, ảnh hưởng đến công việc làm ăn của ông.

“Năm 2016 để chuẩn bị nhận tàu tôi đã thuê 10 nhân công và ứng trước mỗi người 18 triệu đồng nhưng tàu không ra khơi được xem như mất trắng. Chưa kể, tiền lãi ngân hàng hai năm nay cũng gần 200 triệu đồng, rồi tiền mua bảo hiểm thân tàu 160 triệu đồng do trễ thời hạn bàn giao (nếu bàn giao đúng chủ tàu sẽ được nhà nước hỗ trợ 90% tiền bảo hiểm)… nên Công ty Bảo Duy phải đền bù tôi số tiền trên hoặc chí ít cũng cho tôi ứng mượn số tiền này (khoảng 600 triệu đồng) để trang trải, mua bảo hiểm để nhận tàu vươn khơi, sau này ra tòa xử ai thua thắng tính sau, nhưng công ty Bảo Duy không chịu gặp. Thật sự tôi muốn xong việc để nhận tàu đi làm ăn chứ hai năm nay tôi thất nghiệp ở nhà rồi”, ông Liên nói. 

Tuy nhiên, Công ty Bảo Duy cho rằng, việc đình trệ bàn giao tàu do lỗi ông Liên không cung cấp hệ thống đẩy thủy lực mới (máy chính) để lắp đặt lên tàu đã gây tổn thất thiệt hại cho phía Bảo Duy (chi phí kéo tàu lên đà, chi phí nhân công, xem xét bảo vệ tàu…) Trong khi đó, để có chi phí đóng tàu Công ty Bảo Duy đã phải vay Ngân hàng ACB 10 tỷ đồng, trả lãi mỗi tháng hơn 100 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa được ông Liên và phía ngân hàng giải ngân số tiền nợ đóng tàu nên ông Liên phải có trách nhiệm làm việc với ngân hàng thanh toán số nợ 7,5 tỷ đồng còn lại cho công ty trước khi nhận tàu cũng như đền bù, hoàn trả lại những chi phí khác trước đây…

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đang có kế hoạch mời các bên cùng ngồi lại nhằm tháo gỡ các vấn đề kiện tụng liên quan đến con tàu. Nhất là việc thỏa thuận chuyển tiền giữa ngân hàng với chủ tàu, giữa chủ tàu với cơ sở đóng tàu nhằm đảm bảo thuận lợi cho các bên.

“Sắp tới tỉnh và Ban chỉ đạo Nghị định 67 cùng phía ngân hàng sẽ tổ chức cuộc họp thống nhất tìm ra giải pháp để thuyết phục chủ tàu nhận tàu và Công ty Bảo Duy bàn giao tàu. Việc ngân hàng giải ngân phải chờ quyết định từ phía ngân hàng cho ông Liên vay để giải ngân cho Công ty Bảo Duy, còn ai đúng sai, chậm trễ lỗi bên nào sẽ do tòa án xử sau này. Bên nào thua kiện thì bên đó phải chi trả, Ban chỉ đạo 67 chỉ là trung gian để giải quyết vấn đề sao cho hợp lý nhằm đảm bảo cho con tàu ra khơi”, ông Ngô Tấn cho biết.

Chủ tàu 67 nhận tiền bồi thường rẻ mạt

Chiều 5-4, Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn (Bình Định) thông tin, vào ngày 4-4, 6 ngư dân có tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 tại địa bàn, đã có buổi làm việc với Giám đốc Công ty Nam Triệu tại UBND huyện này. Trước sự có mặt của ban ngành chức năng địa phương, phía nhà máy đóng tàu và ngư dân đã đi đến thống nhất bồi thường thiệt hại các tàu hư hỏng, nằm bờ. Qua đó, có 2 chủ tàu được bồi thường 200 triệu đồng/tàu; 1 trường hợp là 238 triệu đồng và có 3 trường hợp được bồi thường 218 triệu đồng/tàu. Các bên thống nhất, tiền bồi thường sẽ được chuyển theo 2 hình thức: Trao tiền mặt hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng, hạn chót trước ngày 4-5-2018. Trước đó, 20 chủ tàu vỏ thép hư hỏng ở Bình Định đã kê khai thiệt hại chính thức là trên 33 tỷ đồng.

Cùng ngày, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định thông tin, trong ngày 3 và 4-4, tại UBND các huyện Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định), 5 chủ tàu vỏ thép hư hỏng, gỉ sắt do Công ty Đại Nguyên Dương đóng là các ông: Mai Văn Chương, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Mạnh, Võ Tuân, Trần Minh Vương cũng đã đồng ý nhận tiền “hỗ trợ” từ phía doanh nghiệp. Tuy vậy, số tiền bồi thường đã “bốc hơi” từ 5,3 tỷ đồng xuống còn 881 triệu đồng/5 tàu.

“Tàu hư hỏng, nằm bờ rồi lỗ biển lên đến cả tỷ đồng, giờ doanh nghiệp nói là bồi thường có 176 triệu đồng, biết bù vào đâu bây giờ. Doanh nghiệp nói là giờ thua lỗ, hết vốn, sắp phá sản đến nơi rồi… Thôi thì méo mó hơn không, chứ ra tòa thì ai đi biển cho chúng tôi. Biển giã đang vào mùa, ngồi bờ chờ tòa thì có ngày chết đói!”, chủ tàu Mai Văn Chương ở xã Cát Hải (Phù Cát) nói như khóc.

NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục