Cùng với đó, do người lao động từ các tỉnh - thành đổ về TPHCM làm việc đông khiến nhu cầu phòng trọ, nhà cho thuê tăng mạnh. Điều này khiến không ít công nhân, sinh viên khó khăn rơi vào cảnh lao đao trong hành trình mưu sinh, lập nghiệp tại TP.
Một khu nhà trọ tại ấp 1, xã Bình Hưng, Bình Chánh
Vất vả tìm chỗ trọ
Mấy ngày qua, vợ chồng anh Đức - chị Huệ (quê Hoài Ân, Bình Định) phải nghỉ việc để rong ruổi khắp các quận Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình tìm thuê phòng trọ, nhưng tới nay vẫn chưa thuê được căn phòng phù hợp với điều kiện kinh tế.
“Mình buôn ve chai, chồng sửa điện, thu nhập dao động 8 - 10 triệu đồng/tháng, cần thuê phòng giá 2 triệu đồng trở lại, nhưng bữa giờ tìm đỏ mắt không ra. Do có con nhỏ nên vợ chồng tôi cần thuê phòng trọ không quá nhỏ hẹp, nóng bức, giá thuê hợp với túi tiền”, chị Huệ bộc bach.
Chị chia sẻ thêm, khu vực làm việc quen thuộc trước giờ của hai vợ chồng là các quận nói trên, nhưng nếu trường hợp tìm không ra phòng trọ, anh chị sẽ chấp nhận đi xa lên Vĩnh Lộc A, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) để có thể thuê được phòng trọ với giá mềm hơn.
Không chỉ có người lao động, sinh viên các tỉnh cũng khốn đốn với câu chuyện nhà trọ sau tết, khi trở lại TPHCM học tập. Hơn 20 giờ, nhóm 4 sinh viên của Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn vẫn tất bật chạy xe gõ cửa từng dãy trọ tại ấp 4 (xã Bình Hưng, Bình Chánh) để tìm thuê phòng.
Lê Trung Thinh, một sinh viên trong nhóm, than: “Trước tết, ông chủ trọ cũ nói không tăng giá thuê trong năm mới nên tụi em đóng luôn tiền của 15 ngày không ở, về quê nghỉ tết. Vậy mà vừa vào ở 2 ngày, bà chủ trọ tới nói từ tháng 2 sẽ tăng tiền phòng 700.000 đồng/tháng với lý do mới sơn sửa lại phòng. Vì giá thuê mới quá cao, tụi em trả phòng, nhưng bữa giờ vẫn chưa tìm được phòng mới do người làm công đổ về khu vực này thuê quá nhiều”.
Thinh và nhóm bạn cho biết phải dành nhiều thời gian tìm thuê phòng trọ trong thời điểm chuẩn bị thi kết thúc các môn, đã ảnh hưởng lớn đến việc học tập.
Tại các quận Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh, rất nhiều sinh viên cũng rơi vào tình trạng tương tự. Để tiết giảm chi phí, nhiều trường hợp chấp nhận ở ghép chật chội, hoặc ra ngoại thành (cách trường học hàng chục kilômét) để thuê phòng.
Nói về việc tăng giá cho thuê phòng của mình, bà Linh, chủ khu trọ ở hẻm C7 đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, Bình Chánh), lý giải: “Vật giá năm sau luôn cao hơn năm trước, thêm vào đó chi phí duy tu, sơn sửa lại phòng rất lớn, rồi tiền hỗ trợ, động viên dân phòng, bảo vệ dân phố đảm bảo an ninh trật tự… Đủ thứ khoản hết nên tụi tôi mới tăng giá thuê, chứ thật sự không muốn làm khó công nhân, sinh viên”.
Tập trung hỗ trợ
Nhằm giúp người lao động, sinh viên không bị “chặt chém” giá thuê trọ, sớm ổn định cuộc sống, UBND các quận Bình Tân, 8, 9, 12 cho biết ngay sau tết đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ. Tại quận Thủ Đức (nơi có hàng trăm ngàn sinh viên, người lao động tạm trú học tập, làm việc), đại diện Liên đoàn Lao động quận cho biết từ mùng 6 tết, đơn vị đã phối hợp với Quận đoàn, UBND các phường, công an địa phương cử cán bộ đến từng hộ cho thuê vận động không tăng giá. Đồng thời, tại trụ sở UBND các phường có thống kê, cập nhật thông tin số phòng trọ đang cho thuê kèm số điện thoại chủ trọ để công nhân, sinh viên cần thuê trọ liên hệ.
Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (Thành đoàn TPHCM) cho biết từ trước Tết Nguyên đán 2018, đơn vị đã xây dựng nguồn quỹ nhà trọ lên đến hàng ngàn phòng. Tuy nhiên, do nhu cầu thuê nhà trọ đầu năm tăng cao, nên có lúc nguồn quỹ bị đứt đoạn. Hiện nay, số lượng phòng trọ chưa có người ở được đơn vị phân loại (địa điểm các nhà trọ gần với các công ty, khu công nghiệp trên địa bàn) và thông tin đến các trạm - chốt bảo vệ, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên của các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp để hỗ trợ công nhân, người thuê trọ.
Ông Nguyễn Thể Trịnh, Giám đốc Công ty Môi giới cho thuê, mua bán nhà đất M.V. (quận 8), lưu ý: “Hiện nay, trong lúc chính quyền và cơ quan chức năng chưa giám sát chặt chẽ, cũng như gặp khó trong việc xử lý các chủ trọ cho thuê nhà, phòng trọ với giá cao, người thuê phòng cần hỏi cặn kẽ chủ trọ về giá thuê hàng năm trước khi đặt cọc thuê, để tránh bị chủ trọ nâng giá sau tết. Nếu được, người thuê trọ nên làm hợp đồng với chủ trọ trong một khoản thời gian nhất định. Khi hợp đồng thuê kết thúc ở thời điểm cuối năm, người thuê trọ nên ký tiếp ngay trước tết, vì qua tết các chủ trọ thường tăng giá”.