Bị xã hội đen gí vì… quy hoạch treo
Xã hội đen và quy hoạch treo tưởng chừng không liên quan nhưng thực tế tại Tổ dân phố 1, phường 3 quận 11 lại dính chùm với nhau! Bà Lê Mỹ Phụng, Tổ trưởng Tổ dân phố 1, cho biết có 4 gia đình trong tổ phải đi vay nóng xã hội đen, có trường hợp rơi vào cảnh bi đát, như hộ ông Thuận phải “bán đổ bán tháo” căn nhà đang ở bằng giấy tay rồi đi trốn nợ, vì vay nóng 200 triệu đồng để chữa bệnh cho người vợ bị tai biến mà không có tiền trả đúng hạn. Hoặc có trường hợp do không có tiền trả nợ, phải trốn không dám về nhà, tới 11 giờ đêm gọi điện về hỏi tổ trưởng xem chừng “xã hội đen” đã đi hết chưa thì mới dám về.
Vì sao vậy? Người dân nơi đây bảo rằng, tất cả sự khốn đốn đeo bám dai dẳng, cuộc sống ngày càng tồi tệ hơn là do quy hoạch treo. Từ năm 1977, gần 100 nóc nhà từ đường Lạc Long Quân kéo sang đường Hòa Bình nằm trọn vào quy hoạch mở rộng công viên nước Đầm Sen (ban đầu quy hoạch còn mở rộng sang các tổ dân phố số 2, số 3, số 4, sau đó khu vực này được xóa “treo”).
Cho đến khoảng năm 2005, điện, nước bắt đầu được lắp cho nhà dân, sau một thời gian “câu nhờ”. Rồi cho đến nay, vì nằm trong quy hoạch nên việc sửa chữa nhà chỉ làm theo hiện trạng, không được xây mới, bán nhà cũng không ai mua, đặc biệt muốn làm ăn vay vốn thì không thể thế chấp ngân hàng, rơi vào hoàn cảnh bí bách đành phải “bốc nóng” của xã hội đen với lãi suất cắt cổ, dẫn đến có thể tan cửa nát nhà là vậy!
Sống cù bơ cù bất trên đống đất chính là nhà bà Trần Thị Hai, số nhà 319/30 Lạc Long Quân. Nằm cuối con hẻm là mảnh đất khá rộng, thế nhưng nhà cửa lại xây cất lóm thóm, chắp vá, tạm bợ và chỉ chiếm diện tích rất nhỏ.
Cũng vì “giữ theo hiện trạng”, nên hễ có mưa là nhà bà trở thành rốn nước, ngập suốt nhiều giờ! Có lần túng thiếu, bà rao bán đi một nửa mảnh đất, có người tới trả hơn 2 tỷ đồng, rồi lại không mua, vì bị quy hoạch. “Nhà cửa tạm bợ, vốn liếng không có, con cái nghề nghiệp lông bông, cả đại gia đình sống trong nghèo khổ. Tôi kêu trời, mà trời cũng chẳng thấu”, bà Hai nói trong nước mắt.
“Đời cha tôi, sang đời tôi, đời con tôi, rồi bây giờ tôi lên bà nội mà vẫn chưa xóa, chỉ còn vài năm nữa là nửa thế kỷ bị quy hoạch treo! Người dân rất bức xúc và thắc mắc rằng bây giờ là quy hoạch gì? Bởi trước đây là thuộc quy hoạch mở rộng công viên Đầm Sen, rồi sau này chính quyền trả lời là xóa nhưng lại nằm trong quy hoạch công viên cây xanh và tàu điện trên cao? Nếu là tàu điện trên cao, thì tuyến metro số 1 dự kiến 4 năm nữa mới hoàn thành, rồi cho đến khi nào mới làm tuyến này? Chẳng lẽ bắt buộc người dân sống cam chịu trong khốn đốn mãi nhiều đời với nhiều tầng, nhiều lớp quy hoạch treo như thế này hay sao”, bà Lê Mỹ Phụng bức xúc.
3/4 xã dính vào dự án treo
Xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh) có vị trí rất đắc địa khi tuyến đường Nguyễn Văn Linh giáp quốc lộ 1A, xẻ đôi xã này. Ông Lê Hải Điền, Phó Chủ tịch UBND xã, trầm ngâm so sánh, mặt tiền chợ đầu mối Bình Điền giá đất lên đến 80 triệu đồng/m2, nhưng đối diện bên này lại bỏ hoang hóa, người dân chuyển nhượng giấy tay 1 - 2 triệu đồng/m2 cũng không ai mua. Bên kia đường Nguyễn Văn Linh, chung cư Hoàng Quân giá rao bán trên 20 triệu đồng/m2, nhưng bên này đường lại số phận hẩm hiu, cỏ lác um tùm, vì dính quy hoạch treo. Cả xã hiện nay có đến 3/4 diện tích bị dính vào quy hoạch treo, cuộc sống người dân rất khó khăn, tạm bợ.
Khởi thủy vào năm 1994, quy hoạch khi đó đã đưa hàng loạt dự án bao trùm lên xã An Phú Tây. Chiếm diện tích khá lớn là khu D và E, là một phần của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, thành phố sẽ giải tỏa trắng rồi bàn giao cho Công ty Phú Mỹ Hưng, có 686 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Cho đến nay, Phú Mỹ Hưng thì mải miết xây chung cư ở khu A, cách gần 10km, còn nơi đây vẫn chìm trong quy hoạch treo. Đối diện khu D, khu E - bên kia đường và nằm dọc mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh - là gần 200ha thuộc khu chức năng 19 và 20 do Ban Quản lý khu Nam quản lý, được xem là “xóa treo” đợt này; theo một cán bộ địa chính xã, do các nhà đầu tư không triển khai nên cả khu vực bị “đứng yên”. Có khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng. Vì vướng quy hoạch nên người dân không được xây dựng, không được chuyển mục đích sử dụng đất và không được tách thửa.
Vùng đất nào bị quy hoạch treo, có lẽ đời sống người dân đều giống nhau. Đường Nguyễn Văn Linh to hoành tráng, nhưng con đường nối vào trung tâm ấp 3 chỉ rộng độ 2m, lồi lõm, 2 chiếc xe máy chạy ngược chiều đã khó tránh nhau, tất nhiên đường rẽ sang những khu dân cư bên trong cũng nhỏ thó như vậy. Nhà cửa lụp xụp, nhiều nhất vẫn là mái tôn - vách tôn cũ kỹ, không gian thum thủm mùi rác. Nước phải dùng đồng hồ tổng, chia đều cho từng hộ dân, nếu dùng vượt quy định, phải trả 14.000 đồng/m3.
“Xã xin làm mở rộng đường cho người dân đi lại được thuận tiện nhưng không cho; rồi xin làm đồng hồ nước vào tận nhà dân cũng không được. Vì bị quy hoạch treo nên không ai dám đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao”, ông Lê Hải Điền kể.
Rõ ràng, việc thường xuyên rà soát xóa quy hoạch treo là sự tích cực của chính quyền, nhưng làm sao để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, thiết nghĩ đó là chính sách nhân văn hết sức cần thiết.
Sự phát triển của TPHCM sẽ có ý nghĩa hơn, khi công trình mới xây dựng lên, người dân trên vùng đất đó thấy tự hào, hơn là sự ta thán khốn khó vì bị quy hoạch treo.
Sự “tê liệt” vì quy hoạch treo đã khắc họa khá đầy đủ từ hộ ông Trương Văn Ảnh (78 tuổi, địa chỉ 234 C/10 ấp 3). Căn nhà chính xây từ đời ông ngoại vào năm 1941, đến nay còn giữ mái ngói cổ kính, nhưng bức tường bục rã, ông sửa lại bằng tường tôn. Đất đai rộng rãi, các con ra riêng lập gia đình nhưng không thể tách thửa để cho con xây dựng nhà. Chỉ có nhà của người con thứ 7 xây kế bên, nhưng thực chất 4 bên đều là vách tôn, hết sức sơ sài. Trong cách nói chuyện của mình, ông Ảnh thể hiện một cảm giác bất lực vì nằm trên “đống của” mà không thể lo được cho các con. |