Cũng liên quan tới vụ án này, trao đổi với báo chí, Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay lực lượng chức năng của Công an tỉnh Hòa Bình đang phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Bộ GD-ĐT điều tra vụ việc và khi có kết quả sẽ thông tin cụ thể tới công luận.
Trước đó, qua rà soát lại tất cả các khâu coi thi và chấm thi tại kỳ thi THPT quốc gia ở Hòa Bình, cơ quan chức năng bước đầu đã phát hiện có vấn đề trong khâu chấm thi trắc nghiệm nên đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Bộ GD-ĐT, Công an tỉnh Hòa Bình.
Tiếp đó, vào ngày 30-7 vừa qua, Công an tỉnh Hòa Bình bắt đầu tiến hành xác minh vụ việc.
Bước đầu, cơ quan công an đã tiến hành triệu tập và làm việc với 5 người trong Tổ chấm thi trắc nghiệm để phục vụ việc điều tra.
Trong số những cá nhân thuộc Tổ chấm thi trắc nghiệm bị cơ quan công an triệu tập có: ông Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình), ông Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) và ông Đỗ Mạnh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, từ chối cung cấp danh tính 2 cán bộ còn lại trong Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hòa Bình được đặt ra khi kết quả phân tích điểm thi của địa phương này cho thấy, với 27 trong tổng số 8.900 thí sinh dự thi môn toán đạt từ 9 điểm trở lên, chiếm 0,3%. Hòa Bình chỉ xếp sau Hà Giang (điểm giả, công bố lần đầu), còn vượt xa các tỉnh khác về tỷ lệ thí sinh đạt mức điểm này.
Cụ thể, tỷ lệ này của Hòa Bình cao gấp 5 lần tỷ lệ chung của cả nước (là 0,06%), gấp 3 lần ở Hà Nội (là 0,1%), gấp hơn 7 lần ở TPHCM (là 0,04%).
Nếu xét điểm thi theo khối chính (A00, A01, B00, C00, C03, D01), trong 324 thí sinh cả nước được tổng điểm 27, Hà Giang có 67, Sơn La 26, Hòa Bình 22 thí sinh. Ở tổ hợp C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), cả nước có 10 thí sinh được 27 điểm trở lên thì Hòa Bình có 2 thí sinh.