Khởi tố vụ án cháy cơ sở karaoke An Phú

Chiều 8-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Dương đã tới thăm hỏi gia đình các nạn nhân vụ cháy cơ sở karaoke An Phú và các nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa An Phú (TP Thuận An). Sau đó, Phó Thủ tướng đã tới kiểm tra hiện trường vụ cháy.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia buồn cùng gia đình nạn nhân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia buồn cùng gia đình nạn nhân

Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về vụ cháy khiến 32 người thiệt mạng, 32 người khác bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng. Theo Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, vụ cháy có thể khởi phát từ sự cố chập nguồn điện gây cháy vách cách âm; nguồn nhiệt phát sinh nhanh và lan rộng. Tại phòng 303, nhân viên phát hiện khói đã báo cháy, sau đó tiếp tục gõ cửa các phòng có khách hát nhưng nhiều người vẫn tiếp tục ca hát; có phòng còn kéo nhân viên vào trong rồi chốt cửa lại. Lời khai ban đầu của một nhân viên thoát nạn cho biết: Nhiều nạn nhân vào hát trong tình trạng không tỉnh táo, không hợp tác khi có sự cố hỏa hoạn, nếu ngay từ đầu mọi người nhanh chóng thoát ra ngoài theo sự hướng dẫn của nhân viên sẽ có thêm nhiều người thoát nạn. Việc chữa cháy thực hiện rất khẩn trương và chỉ sau gần 1 giờ đã cơ bản dập tắt đám cháy nhưng công tác tiếp cận cứu nạn gặp nhiều khó khăn do khói nhiều và sức nóng từ bên trong. Sau khi có sự chi viện từ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an TPHCM và sử dụng biện pháp phun bọt giảm nhiệt, việc tiếp cận bên trong dễ dàng hơn, giúp đưa được hết nạn nhân ra ngoài.

Tại buổi họp báo, trước câu hỏi của phóng viên Báo SGGP về việc “có sự dễ dãi trong cấp phép, thẩm duyệt phương án PCCC của cơ sở này hay không và trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền địa phương như thế nào?”, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết: Đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn, phạm vi cháy hẹp, công tác chữa cháy nhanh nhưng khắc phục cứu nạn rất khó khăn, nhiều chiến sĩ vào hiện trường chỉ 5 phút đã phải quay ra.

Hiện các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cùng công an tỉnh tiếp tục khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Về nguyên nhân xảy ra cháy và trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngành chức năng cần có thời gian làm rõ và sẽ cung cấp đến báo chí sau.

Theo nguồn tin của Báo SGGP, trước thời điểm xảy ra hỏa hoạn, chủ cơ sở là ông Lê Anh X. (42 tuổi, tạm trú TP Thủ Đức, TPHCM) không có mặt điều hành cơ sở kinh doanh mà giao cho một người khác quản lý, chỉ khi sự việc xảy ra ông X. mới có mặt phối hợp cứu nạn và sau đó hỗ trợ 30 triệu đồng/nạn nhân tử vong.

Đến chiều 8-9, ngành chức năng đã xác định được danh tính của 17 nạn nhân tử vong, 15 nạn nhân khác đang chờ kết quả xét nghiệm AND từ Bệnh viện 175.

Tối cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã có quyết định khởi tố vụ án đối với cơ sở karaoke An Phú về hành vi vi phạm quy định về PCCC,theo điều 313 Bộ luật Hình sự.

XUÂN TRUNG 

-------------------------------

Một vụ cháy để lại nhiều dấu hỏi

Trong thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và đã có một số vụ gây thiệt hại nặng nề về người. Thế nhưng, chưa có vụ cháy nào để lại nhiều dấu hỏi về trách nhiệm như vụ cháy xảy ra tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, vào tối 6-9, khiến 32 người tử vong.

Đầu tiên là công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Bình Dương gửi Văn phòng Chính phủ, cơ sở kinh doanh karaoke An Phú có đăng ký đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý như Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do UBND TP Thuận An cấp ngày 7-9-2016, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do Công an TP Thuận An cấp ngày 31-7-2017, Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) do Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương cấp ngày 8-2-2017, Giấy phép kinh doanh karaoke do UBND TP Thuận An cấp ngày 15-11-2016 và Biên bản kiểm tra an toàn về PCCC các năm 2019, 2021, 2022. Nghĩa là, cơ sở này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về PCCC. Tuy nhiên, chỉ với một cơ sở kinh doanh có diện tích 1.500m², chiều cao 1 trệt, 2 lầu nhưng khi vụ cháy xảy ra, các nạn nhân lại không có đường thoát thân. Nếu biên bản kiểm tra cho kết quả đủ điều kiện an toàn về phòng cháy nhưng khi hỏa hoạn xảy ra, nạn nhân không có đường thoát, dư luận có quyền nghi ngờ về tính trung thực của các biên bản kiểm tra hàng năm.

Thứ hai là năng lực của lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Với một tòa nhà thấp tầng, đường giao thông trước nhà rộng rãi, thời điểm xảy ra cháy không quá khuya khoắt nhưng tại sao rất ít nạn nhân được cứu? Đặc biệt, quá trình xâm nhập, tiếp cận các phòng kéo dài - từ tối hôm trước đến tận chiều hôm sau đồng nghĩa có rất ít cơ hội sống sót cho nạn nhân. Như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp hay tính hiệu quả của lực lượng PCCC?

Mặt khác, theo Nghị định 54 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, công tác quản lý cơ sở karaoke không chỉ có trách nhiệm của cơ quan công an mà còn liên đới trách nhiệm của ngành VH-TT-DL. Ngành VH-TT-DL là cơ quan được giao vai trò khá lớn, như “chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong kinh doanh dịch vụ karaoke” và “chịu trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường”. 

Cũng theo quy định tại Nghị định 54, UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương có trách nhiệm “chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh dịch vụ  karaoke” và “thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử 1ý vi phạm”. Do đó, UBND các tỉnh thành cũng không thể “ngoại phạm” nếu chưa chủ động chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục