Ngày 23-6, nguồn tin của phóng viên Báo SGGP cho hay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố bị can với Phạm Văn Tam (còn gọi Shark Tam, sinh năm 1980, ngụ tỉnh Quảng Ninh, trú quận 11, TPHCM), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Asanzo về tội “Trốn thuế”.
Bị can Phạm Văn Tam đã chỉ đạo Phạm Xuân Tình ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty THHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn; sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo.
Đồng thời, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế. Qua đó, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp là gần 15,8 tỷ đồng.
Theo danh sách nợ thuế vừa được Cục Thuế TPHCM công bố ngày 23-5, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo đang nợ 52,2 tỷ đồng tiền thuế.
Trước đó, tháng 7-2021, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án công ty "ma" nhập hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo về hành vi “Buôn lậu”.
Theo đó, khoảng tháng 9-2018, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Sa Huỳnh (gọi tắt là Công ty Sa Huỳnh), trụ sở ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM có mở tờ khai hải quan nhập khẩu 1 lô hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Theo tờ khai của công ty này, lô hàng là linh kiện của lò nướng gồm: chậu thủy tinh, nắp đậy nhựa, bộ đếm thời gian… có xuất xứ Trung Quốc. Lô hàng này mới 100% và có giá trị là 212 triệu đồng.
Khi lô hàng về tới Việt Nam, Cục Hải quan TPHCM và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn 4 phát hiện nhiều nghi vấn nên đã kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện có 1.300 bộ lò nướng thủy tinh còn nguyên bộ không như tờ khai báo của công ty này.
Mỗi bộ lò nướng được tháo thành các bộ phận khác nhau gồm: chậu thủy tinh, nắp đậy nhựa, bộ đếm thời gian mang thương hiệu Asanzo. Sau đó, phía Công ty Sa Huỳnh có văn bản giải trình vụ việc là do phía đối tác gửi nhầm hàng.
Cơ quan chức năng đã tiến hành mời bà Huỳnh Thị Sà Quôl (ngụ tỉnh Sóc Trăng) là người đại diện pháp luật của Công ty Sa Huỳnh lên làm việc nhưng không được. Sau đó, người đại diện này đã ủy quyền cho ông Huỳnh Thế Tài lên làm việc nhưng ông này cũng không xuất hiện.
Tiến hành xác minh thì bà Quôl cho biết, mình không thành lập công ty nào có tên là Sa Huỳnh. Bà nói có người mạo danh mình lập công ty, doanh nghiệp để lừa đảo. Bà này cho biết, từng có thời gian cùng chồng làm ở Công ty Asanzo ở TPHCM. Sau đó, bà nghỉ việc và trở về quê.
Cũng trong thời gian này, ông Tài và ông Trương Ngọc Liêm (đại diện Công ty Sa Huỳnh) đã tới làm việc và nói là có chung vốn mở Công ty Sa Huỳnh. Đồng thời, công ty thuê bà Quôl làm giám đốc. Tuy nhiên, bà Quôl không làm việc với cơ quan chức năng nên cả 2 đã giả mạo giấy tờ ủy quyền cho ông Tài ra làm việc.
Đồng thời, nhóm tiếp tục ủy quyền cho ông Liêm làm Giám đốc Công ty Sa Huỳnh, cũng là đại diện pháp luật của công ty này. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, hồ sơ, giấy tờ của bà Quôl là giả và ông Liêm cũng thừa nhận.
Chi cục Hải quan TPHCM xác định vụ việc có dấu hiệu buôn lậu trốn thuế và đánh tráo hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam chất lượng cao nên đã chuyển hồ sơ sang Công an TPHCM để điều tra.