Chiều 8-3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, điều 354, Bộ luật Hình sự.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, diễn biến trên nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” do Nguyễn Văn Hậu và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (Công ty Bất động sản Thăng Long) và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 16/QĐ-CSKT-P7 ngày 26-2-2024; căn cứ lời khai của Nguyễn Văn Hậu, các bị can, đối tượng liên quan, tài liệu điều tra xác minh tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, 54 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phúc, là thạc sĩ luật. Bà Lan từng giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Bí thư Đảng ủy khối cơ quan tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy rồi trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy.
Tháng 5-2014, bà Lan là Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Năm 2015, bà Lan là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và sau đó là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.
* Chiều cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, điều 354, Bộ luật Hình sự.
Đây là diễn biến mới nhất khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” do Nguyễn Văn Hậu và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (Công ty Bất động sản Thăng Long) và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 16/QĐ-CSKT-P7 ngày 26-2-2024; căn cứ lời khai của Nguyễn Văn Hậu, các bị can, đối tượng liên quan, tài liệu điều tra xác minh tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan.
Ông Lê Duy Thành từng có những phát ngôn, chỉ đạo mạnh tay về lĩnh vực đất đai. Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Thành yêu cầu các sở ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực "tăng tốc" cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Lê Duy Thành cũng thống nhất báo cáo của Sở TN-MT Vĩnh Phúc về kết quả giải phóng mặt bằng và xử lý các tồn tại, vi phạm về đất đai. Địa phương nào không nghiêm túc trong xử lý vi phạm pháp luật đất đai người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 (diễn ra từ ngày 13 tới 15-12), trưa 13-12, các đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 chức danh do HĐND tỉnh Vĩnh Phúc bầu theo quy định.
Theo đó, đối với khối HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc có 46 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 97,87% tổng số phiếu).
Đối với khối UBND tỉnh, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có số phiếu tín nhiệm cao là 19 phiếu (chiếm 40,43% tổng số phiếu), số phiếu tín nhiệm thấp là 25 phiếu (chiếm 53,19% tổng số phiếu) và là người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong số các ủy viên UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, theo ghi nhận, từ đầu giờ chiều cùng ngày, nhiều công an xuất hiện, dựng hàng rào tại các ngã tư phố Chiền thuộc TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Lực lượng chức năng ở đây từ chiều đã hạn chế tiếp cận khu vực nhà riêng Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan.
Cùng với đó, lực lượng công an cũng lập rào chắn, hạn chế đi lại vào khu vực đường Phạm Hồng Thái (khu vực nơi có nhà ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc). Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch Lê Duy Thành trước đó đã không tham dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Tập Đoàn Phúc Sơn tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn chính thức được thành lập ngày 6-1-2004. Ngày 4-8-2009, doanh nghiệp được đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng đô thị Phúc Sơn. Ngày 27-7-2010, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và hoạt động dưới tên gọi này cho đến nay. Tập đoàn trải qua 13 năm hình thành và phát triển, được xem là một trong những công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản hàng đầu của tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh phía Bắc.
Hiện nay theo công bố, Tập đoàn Phúc Sơn đang tiến hành đầu tư xây dựng khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 130ha; Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp 15 tầng tại trung tâm TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với quy mô 149ha.
Tập đoàn Phúc Sơn cũng là nhà thầu chính trong việc tu bổ nâng cấp khu Di tích Lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Ƭhọ. Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, doanh nghiệp được cho là đã được giao và trúng thầu nhiều gói thầu tại tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Ƭhọ, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Ngãi, TP Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa…