Vũ Mạnh Cường (bên trái) là võ sư môn phái Thiếu Lâm nên được đặt biệt danh là “Cường võ sư”. Ảnh: CTV |
Theo đó, 8 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi gây rối trật tự công cộng gồm: Vũ Mạnh Cường (tức Cường "võ sư”, 40 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM), Lưu Văn Nuôi (29 tuổi, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), Lâm Trần Thương (29 tuổi, ngụ TP Cà Mau, Cà Mau), Đoàn Văn Như (32 tuổi, ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), Huỳnh Tấn Đạt (31 tuổi, ngụ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), Võ Bá Trình (26 tuổi), Trần Văn Tiền (35 tuổi, ngụ TP Phú Quốc, Kiên Giang), Lâm Hoàng Kiển (38 tuổi, ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang),
Như Báo SGGP thông tin, chiều 26-4, tại Cảng biển quốc tế An Thới (phường An Thới, TP Phú Quốc) xảy ra cuộc xô xát giữa hàng trăm người dân là những hộ kinh doanh tại đây với nhóm nhân viên của Công ty bảo vệ Lucky (đóng tại phường Dương Đông, Phú Quốc) do Công ty TNHH Cảng quốc tế Namas An Thới (gọi tắt là công ty Namas) thuê.
Nguyên nhân dẫn tới vụ xô xát xuất phát từ việc các hộ kinh doanh không đồng ý bàn giao mặt bằng và phản đối giá dịch vụ do Công ty Namas ban hành khi tiếp quản, khai thác cảng từ ngày 27-4. Sau khi sự việc xảy ra, Công an TP Phú Quốc đã triệu tập 17 người, chủ yếu là nhân viên của công ty bảo vệ.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP Phú Quốc, liên quan tới vụ xô xát nói trên, cơ quan điều tra cũng đang tiến hành làm rõ vai trò, hành vi của một số người dân để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cảng An Thới được xem là cảng biển tổng hợp lớn nhất tại Phú Quốc do Nhà nước đầu tư tổng kinh phí khoảng 128 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện hạ tầng thêm khoảng 158 tỷ đồng nữa, dự án hoàn thành năm 2012 với công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 hành khách/năm.
Sau thời gian dài đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới, theo Cục Hàng hải Việt Nam, liên danh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Namaste và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn đã trúng đấu giá với trị giá gần 952 tỷ đồng, gấp 5,5 lần giá khởi điểm. Thời hạn thuê từ cuối năm 2022 tới hết năm 2063.