Chiều 19-11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La phối hợp với một số cơ quan chức năng của địa phương đã có cuộc gặp gỡ báo chí thông tin chính thức về việc 2 Phó Giám đốc Sở Tài chính và Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) tỉnh Sơn La cùng một số cán bộ ở địa phương bị khởi tố và bắt giam do sai phạm trong công tác di dời, đền bù dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Thượng tá Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Sơn La cho biết, qua công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh Sơn La phát hiện một số dấu hiệu vi phạm trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực mặt bằng xây dựng Thủy điện Sơn La giai đoạn 2003- 2010. Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh, đến nay kết quả điều tra xác định một số đối tượng có sai phạm với hành vi: Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiệm và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, hành vi sai phạm của các đối tượng tập trung ở các khâu: đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường không đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà nước. Thời điểm sai phạm tập trung từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2015).
Trên cơ sở kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã thống nhất đánh giá hành vi của 17 đối tượng đã cấu thành tội phạm, đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngày 15-11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 17 đối tượng trong đó có 15 người là đảng viên và ra lệnh tạm giam 15 bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú 2 bị can. Đồng thời, Công an tỉnh Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch thi hành công tác bắt bị can tạm giam, khám xét nơi làm việc, nơi ở, đồ vật, tài sản của bị can.
Trong 3 ngày (16, 17 và 18-11) Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì cùng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La và các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 14 bị can, tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can an toàn và đúng pháp luật. Các trường hợp là đảng viên bị khởi tố, bắt tạm giam được thực hiện đúng quy định Điều lệ Đảng. Các trường hợp là cán bộ bị khởi tố hình sự, nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hiện Cơ quan An ninh điều tra đang khẩn trương thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, bà Mai Thu Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Sơn La nêu rõ, việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và làm rõ các hành vi sai phạm của các đối tượng đúng theo các quy định hiện hành và đúng theo chủ trương thực hiện phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đây là vụ án đang trong giai đoạn điều tra, thụ lý nên đề nghị các cơ quan báo chí tuân thủ việc khai thác thông tin đảm bảo các nội dung mà chúng tôi cung cấp ngày hôm nay. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới cơ quan báo chí về kết quả và quá trình điều tra vụ án..."- bà Hương cho biết.
Được biết, để xây dựng dự án thủy điện Sơn La, 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di chuyển tổng cộng 20.340 hộ với hơn 92.000 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập (trong đó tỉnh Sơn La chiếm hơn 61% số hộ) đến tái định cư tại 70 khu với 276 điểm tái định cư trong tỉnh Sơn La. Thủy điện Sơn La nằm trên địa bàn huyện Mường La được hoàn thành năm 2012 sau 7 năm xây dựng. Với tổng công suất 2.400MW, đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Thủy điện Sơn La có tổng mức đầu tư gần 60.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 16.900 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ di dân tái định cư, giao cho các địa phương thực hiện. Còn lại hơn 43.000 tỷ là vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ yếu để xây dựng nhà máy và giải phóng mặt bằng.