Với mục đích trao đổi, phân tích, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay, hội thảo “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc – khơi nguồn và phát triển” đã bàn luận, thống nhất và đề xuất định hướng, giải pháp liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch để phát triển kinh tế địa phương vùng Đông Bắc trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lạng Sơn nhấn mạnh, việc liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng Đông Bắc có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy các lợi thế của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục những hạn chế cho nhau, từ đó tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có chất lượng cao.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, gợi ý một số định hướng đầu tư phát triển du lịch tiểu vùng Đông Bắc như: đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ chất lượng cao và đẳng cấp; phát triển hệ thống tuyến du lịch nội tiểu vùng, khu vực và quốc tế; khai thác phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; đầu tư tôn tạo, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử; quy hoạch không gian phát triển du lịch, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các tuyến du lịch đi qua 6 tỉnh Việt Bắc và mang tính liên vùng như “Qua miền di sản Tây – Đông Bắc” kết nối 7 tỉnh Đông Bắc với 7 tỉnh Tây Bắc, với một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình.
Trong khi đó, TS Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển du lịch Việt, đề nghị tập trung nghiên cứu hướng phát triển các nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đông Bắc nhằm khẳng định thương hiệu du lịch và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.