Khơi thông nội lực đất đai

Lần đầu tiên, vấn đề đất đai được đặt lên bàn Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với đầy đủ các khía cạnh, lại do chính người đứng đầu Đảng đặt ra những câu hỏi đi thẳng vào bản chất của hiện trạng “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi, thậm chí đi tù cũng vì đất”. 

Trong đó, cả những nguyên nhân thuộc về “quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong nghị quyết” và “bất cập của Luật Đất đai 2013”, các văn bản dưới luật, quy định còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn cùng với việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước… đều được nêu lên rõ ràng, đích xác.

Nhận thức rõ về nguồn tài nguyên không tái sinh này, đất đai cũng chính là “tài sản đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, tài nguyên quý giá, nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước…”. Bên cạnh những thành quả kinh tế - xã hội đã được phát huy (đúng và trúng) từ nguồn lực đất đai, biết “nương tựa” vào tài nguyên “đất mẹ” để khai thác, tái sinh, tạo lập nguồn sống an cư cho bao người thì ở mảng tối, đất cũng đã tha hóa người, trong đó có cả những đại diện của nhà nước, quản lý tài sản vốn thuộc sở hữu toàn dân. 
Đặt Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 và xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới vào trong tình hình thực tế hiện nay, để thấy Trung ương luôn sát sao thực tiễn, kịp thời đưa ra những dự báo và cảnh báo cần thiết.
Tuy nhiên, sự “hồi đáp” nhìn từ dữ liệu hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai đã nói lên sự phức tạp về tính chất, phạm vi, đối tượng liên quan mà hiệu quả chấn chỉnh, khắc phục thực tế là không cao. Vì vậy, cái nhìn trực diện, động thái quyết liệt tại Hội nghị Trung ương lần này sẽ là cuộc chỉnh lý mạnh mẽ, nhất là ở góc độ luật pháp và quá trình vận dụng luật pháp về đất đai, vào đất đai. Làm thế nào để phát huy nguồn “nội lực quan trọng” này, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư mà không để mất thêm nhiều cán bộ, gây nên những bất ổn xã hội, đánh mất lòng tin của nhà đầu tư, rõ ràng cần được xem xét và có giải pháp thấu đáo.
Nên chăng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 và các bộ luật khác có liên quan (như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá…), đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Chẳng hạn như sự gắn kết giữa sửa, bổ sung Luật Đất đai 2013 và Luật Quy hoạch trong các quy định về công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất; trong việc xác định rõ trong luật căn cứ tiến hành giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là dựa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 
Hay sự điều chỉnh, bổ sung Luật Đất đai với Luật Đầu tư. Trong đó nổi lên những nhu cầu như cần xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh về đấu giá quyền sử dụng đất, phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán cho kết cấu hạ tầng thay thế cho cơ chế hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Hay cần nhất quán thúc đẩy phương thức đấu giá theo tinh thần công khai - minh bạch trong phân phối đất đai trong quá trình điều chỉnh 2 bộ luật sắp tới. 
Với xu hướng sự tham gia của nhiều tác nhân trong thị trường, cơ sở dữ liệu đất đai đóng vai trò quan trọng. Một bức tranh tổng thể về dữ liệu đất không những có ảnh hưởng lớn đến công tác cải cách hành chính của quốc gia, mà còn cả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất, tài sản công. Vì thế, cần tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa quản lý nhà nước về đất đai cho địa phương song song với việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, tích hợp, sử dụng đa mục tiêu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung thống nhất. 
Từ cơ sở dữ liệu đất đai đó, Nhà nước có thể phát huy nhiều giải pháp khác nhau liên quan đến xác định nguồn gốc đất đai, tài chính đất đai, định giá đất để hướng tới sự phát triển bền vững, công khai, minh bạch thị trường bất động sản (chẳng hạn như xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá giá trị tài sản đất đai; hệ thống này có thể phục vụ cho công tác định giá đất trong một thời điểm, so sánh được hiệu quả và các phương án đầu tư của một dự án bằng phương pháp định lượng…).
Quan trọng không kém, để thị trường đất đai, bất động sản phát triển một cách ổn định và đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước thì cần thiết phải có nhiều quy định pháp luật chặt chẽ về thị trường này, trong đó có Luật Thuế tài sản bất động sản. Một pháp lý thống nhất cho thuế tài sản bất động sản, là trị giá tính thuế phải dựa trên giá thị trường cần được đặt lên bàn nghị sự. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất cần được nhấn mạnh: Người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở thì phải chịu mức thuế cao hơn; quy định thuế lũy tiến ở mức cao đối với các dự án đầu tư chậm hoặc bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn theo hợp đồng đã cam kết và quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục