Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa. Trước thềm Hội thảo Văn hóa, một số vấn đề quan trọng, sống còn trong chiến lược phát triển ngành văn hóa, cần được lưu ý.
Lễ hội Âm nhạc quốc tế TPHCM - Hò Dô 2022 vừa diễn ra tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Văn bản chồng chéo khó áp dụng
“Hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn, nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể để các chủ thể phải thực hiện, dẫn đến hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa vẫn còn hạn chế”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ trước hội nghị. Ông nêu dẫn chứng, hệ thống văn bản pháp luật về văn hóa, gia đình có khoảng 160 văn bản quy phạm pháp luật, gồm nhiều loại khác nhau từ luật, pháp lệnh đến thông tư. Số lượng văn bản lớn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo, làm giảm tính minh bạch khiến các quy định pháp luật trở lên phức tạp, khó áp dụng. Một số lĩnh vực chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ...), thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh (lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi...) ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về từng lĩnh vực.
Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Tuy nhiên, sau gần 6 năm thực hiện chiến lược, việc đạt được chỉ tiêu này vẫn còn là một thách thức rất lớn. Nguyên nhân chỉ ra một phần do công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vẫn chưa được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật, thiếu chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý để phát triển lĩnh vực mới, đầy tiềm năng này, trong đó các chính sách về huy động nguồn lực đóng vai trò then chốt.
Các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa còn chưa phù hợp với sự vận động của thị trường, điển hình như việc kiểm duyệt nội dung các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật dựa trên những tiêu chí không rõ ràng. Mặt khác, Nhà nước không có cơ chế và chế tài đủ mạnh để giải quyết vấn đề cốt lõi của thị trường văn hóa như bảo vệ bản quyền… Những bất cập trong việc sử dụng các công cụ quản lý khiến Nhà nước chưa thực sự trở thành “trọng tài” cho các chủ thể kinh tế, chưa điều tiết và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa những người sản xuất, phân phối hàng hóa và người tiêu dùng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhiều thể chế, quy định liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với quy chuẩn của quốc tế.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng, tài sản lịch sử - văn hóa là lợi thế tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, tuy nhiên để phát huy được thế mạnh này, cần giải quyết đồng loạt các vướng mắc, trong đó đặc biệt cần khung - khổ thể chế và luật pháp phù hợp, bảo đảm cho sự vận hành của một hệ ngành công nghiệp mới, các điều kiện vật chất - kỹ thuật, điều kiện về nhân lực, cần thiết để phát triển nền công nghiệp văn hóa “đẳng cấp” và “khác biệt”…
Các quy định pháp luật về huy động nguồn lực cho thấy, văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, phát triển văn hóa gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản” từ chính nhận thức xã hội và các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động. Căn cứ Luật Đầu tư và Luật PPP thì lĩnh vực văn hóa chưa hoàn toàn là ngành, nghề được ưu tiên khuyến khích, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL NGUYỄN VĂN HÙNG
Đề xuất có được chính sách, cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng như: nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa… là mong muốn của nhiều địa phương trong thời điểm này.
Phát huy sức mạnh mềm
Chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa là một chính sách quan trọng trong đường lối văn hóa của Đảng, được đặt ra như một yêu cầu khách quan và tất yếu của thực tiễn. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Như vậy, việc khơi dậy tình đoàn kết và huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội để phát triển văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc. Việc chuyển hóa các nguồn lực để có thể phát huy sức mạnh mềm của văn hóa trong sự phát triển đất nước cũng là một việc làm cấp thiết.
Lễ hội Âm nhạc quốc tế TPHCM - Hò Dô 2022 vừa diễn ra tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Liên quan tới hợp tác công - tư, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) cho rằng, hỗ trợ của khối công tạo điều kiện tiếp cận công bằng với các nguồn tài nguyên văn hóa, bao gồm khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên văn hóa cho tất cả mọi người, đồng thời bảo vệ các nguồn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ tương lai; hỗ trợ các hình thức hoạt động văn hóa ít phù hợp với cơ chế thị trường nhưng cần thiết phải bảo tồn… Song, vai trò của đầu tư tư nhân trong văn hóa cũng ngày càng quan trọng.
“Bảo tàng Louvre nhiều thập kỷ trước đây, hầu như toàn bộ ngân sách vận hành đều do Nhà nước cung cấp. Nhưng từ 2003, luật pháp cho phép giảm thuế cho các khoản đóng góp trực tiếp cho bảo tàng từ các cá nhân và doanh nghiệp, đã giúp cắt giảm khá nhiều ngân sách đầu tư từ Chính phủ. Ngày nay, 40% ngân sách của Louvre đến từ trợ cấp công, 40% từ việc bán vé và 20% từ các nguồn lực của chính nó, bao gồm lợi nhuận từ quỹ tài trợ, tiền thuê các cửa hàng tại Louvre và tiền thuê bảo tàng làm sự kiện…”, ông Lê Quốc Vinh dẫn chứng.
Nhận định tầm quan trọng trong việc tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, PGS-TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhiều kiến nghị như: cần xây dựng chiến lược và kế hoạch đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa, con người gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, coi đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển chung. Tăng mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa tương đương 2% tổng chi ngân sách nhà nước, khuyến khích các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đồng thời cần xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, khuyến khích thành lập các quỹ văn hóa, quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học, nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản…
Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra hôm nay 17-12 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc với sự tham gia của gần 800 đại biểu. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhằm tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Hội thảo được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới cho phát triển văn hóa khi tìm được những giải pháp, chính sách phù hợp hơn cho phát triển công nghiệp văn hóa, khơi thông được nguồn lực sáng tạo từ các văn nghệ sĩ…