Đâu là hấp lực đầu tư?
Đâu là hấp lực để nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm đến đầu tư tại Hậu Giang? Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Phạm Tấn Công, nhận định: “Tuy Hậu Giang có diện tích tự nhiên nhỏ thứ ba của vùng, dân số thấp nhất vùng ĐBSCL nhưng 3 năm trở lại đây đã đạt tăng trưởng cao nhất. 5 năm liên tục năng lực cạnh tranh tỉnh Hậu Giang tăng điểm, trong đó chỉ số tiếp cận đất đai đứng thứ 5 cả nước và dẫn đầu vùng ĐBSCL. Môi trường đầu tư tại tỉnh Hậu Giang được doanh nghiệp đánh giá cao thông qua kết quả sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Hậu Giang luôn có sự tăng trưởng”.
Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng, khi đến đầu tư tại Hậu Giang đã được cấp chính quyền tỉnh tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Bên cạnh đó, Hậu Giang có nguồn nông sản phong phú, giá đất thấp, nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư kinh doanh tốt; đồng thời, mong muốn được tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tại tỉnh trong thời gian tới. Gắn với chuỗi sự kiện của Hội nghị Xúc tiến đầu tư vừa qua, tại Hậu Giang nhiều công trình mang điểm nhấn cho sự phát triển của tỉnh đã diễn ra như: khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; khai trương chi nhánh Vietcombank Hậu Giang; khởi công Khách sạn và Hội nghị DIC Star Vị Thanh tiêu chuẩn 5 sao thuộc dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh do Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng làm chủ đầu tư… Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Bộ KH-ĐT cam kết đồng hành cùng địa phương về tăng trưởng xanh, hỗ trợ tỉnh tiếp cận vốn ODA tập trung đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng; hỗ trợ trong giải ngân vốn đầu tư công, kết nối quảng bá, xúc tiến đầu tư với một số địa phương, một số quốc gia; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư những lĩnh vực thuộc thẩm quyền khi đầu tư tại địa phương”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Hậu Giang phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, để không bị lỡ nhịp, đón đầu các làn sóng đầu tư, tạo bứt phá, động lực mới cho phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đặc biệt là phải biến tiềm lực thành nguồn lực vật chất để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Biến khát vọng thành hoạt động thiết thực, hiệu quả và có tư tưởng biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, phát huy tự lực, tự cường, chủ động trong mọi trường hợp, không trông chờ, không ỷ lại, dựa vào nội lực là chính, tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm đồng thời với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Biến cam kết thành hiện thực
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, chia sẻ: “Thành công từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Hậu Giang là to lớn, rất đáng tự hào. Song đó chỉ là khởi đầu, điều quan trọng là tỉnh phải hiện thực hóa những kết quả của hội nghị. Cụ thể là hiện thực hóa các dự án đã cam kết đầu tư, các dự án đã trao giấy chứng nhận đầu tư”.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, tổng mức đầu tư 18.997 tỷ đồng; ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với 8 nhà đầu tư, với tổng giá trị khoảng 220.000 tỷ đồng. |
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: “Tỉnh xác định quy hoạch là kim chỉ nam, định hướng phát triển thời kỳ 2021-2030 với quan điểm nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm. Nhất tâm là phát triển huyện Châu Thành thành trung tâm công nghiệp và đô thị, nhị tuyến là khai thác tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TPHCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu; tam thành là nâng tầm các đô thị Vị Thanh, Ngã Bảy, Long Mỹ; tứ trụ là phát triển 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Còn ngũ trọng tâm là: hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Mục tiêu đặt ra của tỉnh là nằm trong tốp 3 các địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất vùng ĐBSCL, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 8-10%/năm, đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền công nghiệp ở mức khá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương liên quan và tỉnh Hậu Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cách tiếp cận mới, tư duy mới để xử lý các vấn đề. Hậu Giang phối hợp với các bộ, ngành xử lý, những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; khơi thông nguồn lực, tạo không gian mới cho Hậu Giang phát triển, đồng thời đảm bảo đúng các nguyên tắc quy định của pháp luật.
Phát huy những kết quả đạt được, Hậu Giang đã và đang quyết liệt bắt tay vào cuộc, tận dụng nhanh chóng thời gian để biến các “cam kết của nhà đầu tư” thành hiện thực. Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan cần tập trung nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, khuyến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư tại các hội thảo và hội nghị xúc tiến đầu tư, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trên từng lĩnh vực cụ thể. “Đối với 12 dự án được trao chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, UBND tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thường xuyên làm việc với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tiến độ để các dự án đi vào hoạt động trong thời gian nhanh nhất.
Đối với 8 dự án ký kết biên bản ghi nhớ: tập trung hoàn thiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các điều kiện pháp lý cần thiết khác theo quy định để đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư. Đặc biệt là giao đơn vị đầu mối hướng dẫn các thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư, đúng với quan điểm “doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, “sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh nhà”, với khẩu hiệu “2 nhanh, 3 tốt”; đặc biệt là thời gian giải quyết thủ tục đầu tư giảm ít nhất 50%” - ông Đồng Văn Thanh cho biết thêm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý hiếm không những của Hậu Giang mà còn cả vùng ĐBSCL, không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng. Do đó, cần phải nâng niu, giữ gìn, có thái độ ứng xử phù hợp, bảo vệ, phát huy một cách khoa học, hiệu quả nhất, mang tính thực tiễn sâu sắc nhất, bảo vệ môi trường, sinh thái một cách nghiêm ngặt. Nếu chúng ta chưa làm được gì tốt hơn thì cũng đừng làm gì ảnh hưởng xấu tới khu bảo tồn, tới “lá phổi xanh” này. Mặt khác, các quy định hiện hành cho phép thực hiện các hoạt động kinh tế trong Khu bảo tồn như du lịch sinh thái. Thủ tướng giao các bộ, cơ quan Trung ương hướng dẫn tỉnh Hậu Giang thực hiện theo quy định. |