Có thể thấy là số hợp đồng PPP mới rất ít ỏi. Một trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra là thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết. Ngoại trừ Bộ GTVT đã ban hành các thông tư hướng dẫn về đầu tư theo phương thức này đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý của bộ (chậm 6 tháng so với thời điểm mà Thủ tướng yêu cầu là quý 2-2022), nhiều lĩnh vực khác (điện lực, y tế, xử lý chất thải…) cũng có nhu cầu đầu tư PPP, nhưng các bộ quản lý đều chưa ban hành được hướng dẫn.
Điều này khiến không chỉ nhà đầu tư, mà cả cơ quan quản lý nhà nước cũng e ngại, “không dám quyết, dám ký”. Đơn cử, mẫu hợp đồng PPP là một trong những văn bản quan trọng trong quy trình tiếp cận, chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án đầu tư, có tính chất chỉ dẫn cho nhà đầu tư, thế mà ngay cả trong lĩnh vực giao thông, các doanh nghiệp vẫn đang phải chờ Bộ GTVT hoàn thiện dự thảo hướng dẫn một số nội dung của loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) đối với đường bộ cao tốc. Vì thế, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, cơ quan lập pháp đang phải xem xét ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù để đẩy nhanh một số dự án giao thông đường bộ, trong đó có nội dung gỡ “nút thắt” PPP.
Bên cạnh đó, như đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) nhìn nhận, trong khi lĩnh vực giao thông, năng lượng đã có nhiều dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được triển khai từ trước khi có Luật PPP thì một số bộ ngành khác còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên khá lúng túng trong việc xác định mô hình PPP phù hợp. Chẳng hạn, với y tế, nên áp dụng mô hình BOT hay BTL (nhà nước thu phí, thanh toán cho nhà đầu tư) là vấn đề đang được các chuyên gia pháp chế tranh luận… Đó là chưa kể pháp luật chuyên ngành về điện lực, giáo dục, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, hạ tầng công nghệ thông tin, y tế… chưa được rà soát tổng thể và chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu của Luật PPP đối với từng lĩnh vực, nhằm đảm bảo sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.
Do vậy, một nghị định sửa nhiều nghị định để giải quyết các tồn tại của Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP được nhiều chuyên gia kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành. Nghị định này sẽ giúp giải quyết hàng loạt vướng mắc về quy mô tổng mức đầu tư; trình tự, thủ tục chuyển giao tài sản công trình; trình tự thực hiện tiểu dự án trong dự án PPP; việc áp dụng loại hợp đồng O&M; các vấn đề xác định giá trị tài sản công trong phần vốn nhà nước tham gia dự án; căn cứ tham khảo lãi suất vốn vay… Nhưng, để giải quyết căn cơ, một đạo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP cần sớm được chuẩn bị. Bởi lẽ, nhiều nhóm vấn đề tồn tại liên quan đến Luật PPP, gồm: hạn mức vốn nhà nước, lĩnh vực đầu tư, dự án BOT trên đường hiện hữu, chi phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn… vẫn đang là trở ngại.