Lãi suất cho vay khó hạ nhiệt
Ghi nhận về lãi suất trong những ngày sau Tết Nguyên đán cho thấy, “cuộc đua” lãi suất huy động giữa các ngân hàng trước tết đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Mức lãi suất huy động một số kỳ hạn đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,1-1%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất chung ở mức 8-9,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6-12 tháng.
Việc lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt một phần do nhu cầu vốn để cho vay đầu năm của các ngân hàng không còn quá cao, vì doanh nghiệp đã qua cao điểm cần vốn cho sản xuất trong dịp tết. Ngoài ra, việc các ngân hàng đều niêm yết lãi suất chính thức ở mức không quá 9,5%/năm là do cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại khống chế lãi suất huy động ở mức 9,5%/năm.
Tuy nhiên, theo FiinGroup (đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích tài chính), áp lực tăng lãi suất sẽ vẫn còn khi các ngân hàng trung ương trên thế giới có các kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2023. Đơn cử, FED (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) vừa chính thức tăng lãi suất thêm 0,25%, lên mức 4,5% đến 4,75%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 8 của FED trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, bắt đầu vào tháng 3-2022. Dự báo cơ quan này có thể sẽ tăng lãi suất lên mức 5%, và duy trì mức này đến hết năm 2023, cũng như tiếp tục chính sách thắt chặt, do đó sẽ làm tăng rủi ro suy thoái ở các nước.
Trong khi đó, ở trong nước, thanh khoản thị trường chưa thể sớm cải thiện do ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công, thiếu vắng các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Với tác động kép của cả thị trường trong nước và thế giới, FinnGroup đánh giá lãi suất trong nước chưa thể giảm nhiều, ít nhất trong 6-12 tháng tới.
Thời gian qua, NHNN đã kêu gọi, yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí đầu vào để có thể giảm lãi suất đầu ra. Thực hiện yêu cầu này, hiện có 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank và một số ngân hàng thương mại khác đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Song trước áp lực của thị trường, nhiều chuyên gia tài chính nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay khó hạ nhiệt trong nửa đầu năm nay, nhất là khi biến động lãi suất cho vay luôn có độ trễ so với lãi suất huy động.
Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: MINH HUY |
Bơm tiền để thị trường không thiếu vốn
Trong bối cảnh thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu) còn gặp nhiều khó khăn thì vốn tín dụng được đánh giá là động lực chính để tăng trưởng. Trong năm 2023, ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ giao điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý. Hiện NHNN vẫn chưa công bố mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2023, nhưng căn cứ vào mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, định hướng tín dụng của NHNN trong năm nay ở mức 14-15%. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ ở mức 6,5%, các chuyên gia cho rằng, chính sách tín dụng được điều hành linh hoạt thì hệ thống ngân hàng sẽ bơm ra khoảng 1,7-1,8 triệu tỷ đồng và thị trường sẽ không thiếu vốn.
Tuy nhiên, với mức lãi suất như hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay mà ngay cả những doanh nghiệp đủ điều kiện vay cũng sẽ dè chừng, ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá, nếu FED còn tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay thì áp lực lên lãi suất, tỷ giá trong nước vẫn còn. Tuy nhiên, NHNN nên chấp nhận mất giá VND nhiều hơn mà không nên tăng lãi suất điều hành, vì nếu lãi suất tăng quá mạnh thì sẽ quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, lãi suất cho vay đang ở mức quá cao, trong khi Việt Nam có tỷ lệ lạm phát thấp, tỷ giá ổn định là điều phi lý.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, lạm phát không đến từ yếu tố tiền tệ, trong khi Việt Nam thắt chặt tiền tệ khiến tiền không đủ trong lưu thông là nguyên nhân đẩy lãi suất tăng cao. Muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì cần phải hạ nhiệt lãi suất.
TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra giải pháp để giảm lãi suất hiện nay là tăng cung tiền. Song song đó, cần phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa để giảm thuế nhập khẩu, giảm giá hàng hóa nhằm kìm chế lạm phát. “Với lạm phát kỳ vọng 4,5% trong năm 2023, lãi suất huy động phải giảm về mức 6-7%/năm thì lãi suất cho vay sẽ không quá sức với doanh nghiệp như hiện nay”, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.
* Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh
Trong năm 2023, ngành ngân hàng TPHCM tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Cụ thể, tiếp tục các chương trình tín dụng dành cho doanh nghiệp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng TPHCM sẽ tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng tiêu dùng với gói lãi suất thấp nhằm hạn chế “tín dụng đen”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Những ngày cuối tháng 1-2023, trong 4 phiên giao dịch gần đây nhất, NHNN đã bơm ròng ra thị trường tổng cộng 64.650 tỷ đồng mà không hút tiền về. Theo đó, tổng lượng tiền cơ quan này bơm ròng trong 1 tháng đạt gần 122.000 tỷ đồng, cao hơn mức hút ròng 92.500 tỷ đồng trong tháng cuối năm 2022.
* Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup: Lãi suất cao là thách thức lớn cho thị trường vốn
Nếu lãi suất không giảm sẽ là thách thức lớn cho thị trường vốn và cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cũng như những cân đối lớn cho các năm tiếp theo. Bởi lẽ, lãi suất huy động tiếp tục duy trì như hiện nay (9-10%) thì các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển. Người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư.
* PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: FED tăng lãi suất không gây sức ép lớn cho Việt Nam
FED vừa tăng lãi suất ở mức 0,25% là điều đã được dự báo trước. Lãi suất dù tăng thấp (thấp nhất trong 7 lần tăng trước đó - PV) cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động giao dịch ở nước ngoài và các doanh nghiệp phải đi vay quốc tế bằng USD vì phải chịu lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, sức ép về tỷ giá USD/VND trong lần tăng lãi suất này của FED là không đáng kể. Bởi lẽ đồng USD đang trong xu thế liên tục giảm thời gian gần đây. Giá trị VND so với đồng USD vẫn được NHNN đảm bảo nên có thể hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn, NHNN cần có giải pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn huy động, để qua đó có thể giảm lãi suất cho vay.