Sức mua sẽ sớm phục hồi
Theo các đơn vị bán lẻ, thời gian gần đây, sức mua hàng hóa đã có phần tăng nhịp trở lại. Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, Big C, Emart… cho thấy, người tiêu dùng đã trở lại mua sắm đông đúc hơn. Việc này không chỉ xuất phát từ các chương trình giảm giá “khủng” của những doanh nghiệp (DN) bán lẻ, mà còn do sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt.
Trong một khảo sát được Nielsen Việt Nam công bố mới đây đã chỉ ra rằng, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) trong quý 1-2020 vẫn duy trì ở mức cao, tốp 4 trên thế giới, đạt 126 điểm. So với quý 4-2019, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn ổn định với mức tăng 1 điểm, từ 125 lên 126. Một điểm đáng mừng khác được Nielsen cho biết, đó là người tiêu dùng Việt có sự ưu tiên lớn hơn đối với các sản phẩm địa phương. Sở dĩ họ ưu tiên hàng Việt là do biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ DN Việt. Đây là một trong những mong muốn mới nổi lên ở các quốc gia trong mô hình phục hồi, theo nghiên cứu về các viễn cảnh cuộc sống hậu Covid-19 của Nielsen.
“Các hoạt động khuyến mại, kích cầu là cơ hội để chúng tôi quảng bá thương hiệu, tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn. Bằng chứng là chỉ sau 5 ngày tham gia Chương trình Kích cầu tiêu dùng của TPHCM, doanh số bán ra của chúng tôi đã tăng mạnh so với trước”, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc cho biết và bày tỏ mong muốn, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại, hội chợ để các sản phẩm của DN được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. |
Theo Nielsen, điều này mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương củng cố thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, các nhà cung cấp địa phương cũng cần cung cấp sản phẩm có giá trị tốt, phù hợp với nhu cầu chung của người tiêu dùng và đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ. Từ những tín hiệu này, nhiều đơn vị bán lẻ cho biết, việc khẩn trương thực hiện các chương tình kích cầu sau khi kết thúc dịch Covid-19 rất có ý nghĩa để hỗ trợ DN, đặc biệt là DN đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, đã tạo ra sân chơi - kết nối DN với nhau để tìm hiểu nhu cầu. Cụ thể là đơn vị bán lẻ sẽ tìm được những sản phẩm mới, những sản phẩm tốt để giới thiệu cho người tiêu dùng; còn người sản xuất bán được hàng, thu hồi vốn quay vòng sản xuất.
Đồng loạt kích cầu trên quy mô toàn quốc
Bộ Công thương xác định, cần đưa ra những chương trình thiết thực hỗ trợ cho DN. Và, chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 (Vietnam Grand Sale 2020) đã được Bộ Công thương phát động trên phạm vi cả nước. Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, trong Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020, lần đầu tiên hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trong khuôn khổ chương trình sẽ được áp dụng mức giảm giá tối đa lên tới 100%.
Hưởng ứng sự kiện này, UBND TPHCM vừa khởi động Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020 nhằm giải phóng hàng tồn kho, giúp DN có vốn xoay vòng sản xuất, hồi phục sau dịch, thu hút gần 500 DN đến từ 29 tỉnh thành trên cả nước. Tham gia chương trình, DN không chỉ mang tới sản phẩm mà còn thực hiện khuyến mãi, giảm giá trên 50% cho người tiêu dùng.
Cũng như TPHCM, mới đây TP Cần Thơ đã phát động khuyến mại tập trung với sự tham gia của khoảng 300 DN, hộ kinh doanh trong các ngành hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt tiện ích, kể cả các dịnh vụ khách sạn - nhà hàng - du lịch. Hay ở Đồng Nai, Sở Công thương tỉnh này đã có văn bản gửi đến các sở ngành, đơn vị và địa phương liên quan về việc triển khai Tháng Khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, các DN tăng cường triển khai thực hiện chương trình khuyến mại với các hình thức đa dạng, đẩy mạnh giảm giá, khuyến khích tăng sức mua… theo đúng quy định pháp luật.
Theo chia sẻ của những DN hưởng ứng Tháng khuyến mại tập trung quốc gia, dù đã hơn 2 tháng trở lại hoạt động kinh doanh theo trạng thái bình thường mới, song họ vẫn chưa hết khó. Thậm chí, nhiều DN dù đã phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp, đã vào được siêu thị lớn, song số lượng đơn hàng bán ra cũng chưa mấy khả quan. Các DN nhìn nhận rằng, để đầu ra hàng hóa được tốt sau giai đoạn dịch Covid-19 thì khâu tiếp thị là rất quan trọng, cũng như có sự hỗ trợ của trung tâm xúc tiến thương mại nhằm tăng cường thêm việc quảng bá, xúc tiến bán hàng. Chính vì thế, các hoạt động kích cầu trên phạm vi toàn quốc là cơ hội để họ tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.
Với người tiêu dùng, các chương trình giảm giá mạnh trên 50% là vô cùng thiết thực, giúp họ mua sắm được những sản phẩm chất lượng với giá tiết kiệm mà ở thời điểm trước đó không có điều kiện để mua.