Theo ông Tô Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Trung Nông, ngoài các công ty có nguồn gốc quốc doanh trước đây sở hữu diện tích đất đủ lớn để sản xuất giống, những công ty giống tư nhân hầu như có rất ít hoặc không có đất sản xuất, vì nhiều lý do: Luật cấm doanh nghiệp kinh doanh mua bán đất nông nghiệp; hạn điền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm tối đa 2ha; việc thuê mướn đất nông dân với diện tích lớn, liền thửa rất khó, vì phải thương lượng được với nhiều hộ…
“Công ty chúng tôi mỗi năm sản xuất khoảng 20ha hạt giống dưa hấu, phải thuê đất từ 20 hộ, thậm chí 50 - 60 hộ, với ít nhất 5 - 6 địa điểm, nên việc phân bổ nguồn lực quản lý gặp khó khăn. Chỉ riêng hạt giống dưa hấu, hàng năm Việt Nam nhập 25 - 30 tấn, trị giá 3 - 5 triệu USD. Công ty Trung Nông có giống dưa hấu 388, so với các loại giống nhập thì được Trung tâm Kiểm định giống TPHCM đánh giá có chất lượng bằng với tốp đầu. Nhưng để sản xuất ra 25 - 30 tấn hạt giống thì phải cần đến 250ha - 300ha đất. Tìm ở đâu ra nguồn đất này ở TPHCM?”, ông Trung cho biết.
Các giống hoa được Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM lai tạo. Ảnh: NGUYÊN VỸ
Ông Nguyễn Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội Giống Đông Nam bộ, cho biết chi hội có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống, hầu hết đều có trụ sở tại TPHCM, nhưng phải thuê đất các tỉnh Đông và Tây Nam bộ để nghiên cứu sản xuất giống, làm gia tăng chi phí đầu tư và giá thành, nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành nghề.
Mong muốn của doanh nghiệp giống là được TPHCM tạo điều kiện để thuê đất dài hạn 25 - 50 năm, để vừa nghiên cứu vừa tổ chức sản xuất tập trung và ổn định. Hiện nay, những rào cản về chính sách cũng như những bất cập về thủ tục giao đất, thuê đất đã làm nản lòng các nhà đầu tư.
Tiến sĩ Đỗ Việt Hà, Phó ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (NNCNC), cho biết trong số 40 nhà đầu tư nộp đơn xin vào Khu NNCNC thuê đất sản xuất, có 8 doanh nghiệp sản xuất giống các loại, nhưng quỹ đất hơn 80ha của Khu NNCNC đã hết.
Tuy TP đã có chủ trương mở rộng diện tích Khu NNCNC hiện có cũng như mở thêm nhiều Khu NNCNC ở các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, nhưng việc triển khai rất chậm. 55% diện tích đất tự nhiên TPHCM là sản xuất nông nghiệp, nhưng đất làm giống lại thiếu, trong khi hiệu quả từ sản xuất giống là cao nhất.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, cần tìm ra những điểm nghẽn để khơi thông. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 0,8% GRDP của TPHCM, nhưng vẫn còn khoảng 1 triệu người dân TP làm nông nghiệp. Vì vậy, TP phải có biện pháp giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.