Khơi sức dân để chăm lo cho dân

Trong thời gian gần đây, TPHCM chú trọng phát huy những mô hình, cách làm hay và những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, qua đó khơi sức dân để chăm lo cho dân.

 Từ cơ sở phường - xã, có nhiều điểm sáng khơi sức dân để chăm lo cho dân. Người dân tự nguyện hiến đất làm đường, góp tiền làm ngõ, lắp đặt hệ thống cấp nước sạch, cải tạo nâng cấp đường hẻm, tạo mỹ quan đô thị... Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và thoát nghèo bền vững, nhiều phường - xã tại TPHCM đã thành lập các câu lạc bộ giúp nhau làm kinh tế, vận động giúp đỡ các hộ nghèo phương tiện làm ăn, giúp vốn, giải quyết việc làm… Việc xã hội hóa hoạt động xã hội từ thiện là chủ trương đúng đắn, chẳng những khơi sức dân mà còn khơi dậy lòng nhân ái, vun đắp tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Trong những năm gần đây, nhiều hội đoàn từ thiện tại TPHCM đã nhiệt thành tham gia cứu trợ đồng bào bị thiên tai, người nghèo khổ, hoạn nạn. Vận động sẻ chia, giúp đỡ các hộ nghèo khó và những người bất hạnh là việc rất nhân văn, nên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của nhiều nhà hảo tâm, nhà tài trợ. 
Dịp đón Tết Kỷ Hợi, việc khơi sức dân để chăm lo cho dân đang được cả hệ thống chính trị tại TPHCM thực hiện nhuần nhuyễn, tập trung mọi nguồn lực, huy động toàn xã hội cùng chăm lo. Các đối tượng chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, công nhân, học sinh - sinh viên, trẻ em, người già, và cả các học viên cai nghiện ma túy… đều được quan tâm chăm lo, nhằm đảm bảo tất cả mọi nhà, mọi người đều có tết, không ai bị bỏ lại phía sau. 

Cùng với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, còn có sự chung tay góp sức từ cộng đồng, từ các nhà hảo tâm, nhà tài trợ với số tiền khoảng 500 tỷ đồng. Có nhiều sáng tạo trong hoạt động chăm lo tết, như: tặng vé xe cho công nhân về quê đón tết; giới thiệu việc làm mùa tết cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn; tổ chức đón tết cho các công nhân, sinh viên không có điều kiện về quê ăn tết; nhiều xã ngoại thành vận động doanh nghiệp kết nghĩa và các tổ chức xã hội từ thiện cùng chăm lo giúp hộ nghèo có tết an vui. Nhiều hoạt động vì biển đảo, vì người nghèo đang được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện triển khai, như: chương trình “Xuân tình nguyện”, “Xuân biên giới - Tết hải đảo”, “Tết vì người nghèo”…
Thực tế cho thấy để tổ chức thực hiện được những việc chăm lo cho dân có ý nghĩa như vậy, các địa phương đã năng động, có nhiều mô hình, giải pháp vận động, quan tâm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để khơi sức dân, nhanh chóng giải quyết đến nơi đến chốn những kiến nghị của dân. Bài học được nhiều phường - xã đúc kết là: Có gần dân, hiểu dân, được dân tin cậy thì mới huy động được sức dân. Trong khi đó, cũng còn nhiều địa phương lúng túng, loay hoay trong việc khơi sức dân, huy động sức dân. Có thể do trên địa bàn đa số là hộ nghèo, cũng có thể do địa phương là xã vùng sâu thiếu tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng đó chưa phải là tình thế bất khả thi. Trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cách làm: “Dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”. Vấn đề là cả hệ thống chính trị ở địa phương phải có tâm và có tầm, phát huy năng lực và thực sự tâm huyết làm tròn trách nhiệm với dân. Khi chính quyền chân thành quan tâm chăm lo cho dân làm ăn và cải thiện đời sống, triển khai các công trình thực sự đáp ứng nhu cầu dân sinh và công khai các khoản thu chi từ kinh phí đóng góp của dân, dân sẽ tin cậy và chung sức, chung lòng thực hiện. Được như vậy, các doanh nghiệp, nhà tài trợ, nhà hảo tâm cũng sẽ tin cậy thực hiện việc đầu tư phát triển kinh tế, kết nghĩa và hỗ trợ địa phương chăm lo cho dân.
Gần đây, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh nhiệm vụ gần dân, lắng nghe dân để thực hiện giám sát và thực hiện các chính sách chăm lo cho dân. Trong công tác vận động nhân dân, cần đẩy mạnh các phong trào thi đua, đi vào thiết thực, gắn với từng địa bàn, từng địa phương, để huy động sự tham gia của người dân. Phong trào thi đua phải từ dân, từ mong muốn của dân thì mới huy động được sức dân tham gia. Để thực hiện nhuần nhuyễn nhiệm vụ đó, các cấp, các ngành, địa phương ở TPHCM phải thực thi với ý thức gắn bó với dân, tuân thủ kỷ cương, thực hiện chu đáo trách nhiệm công vụ.
HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục