Cùng lúc này, vùng lúa nguyên liệu đang có hướng chuyển biến tích cực, cả nông dân và doanh nghiệp đều tập trung sản xuất và “o bế” lúa chất lượng cao, lúa thơm để gia tăng giá trị hạt gạo.Trúng mùa, được giá Theo Bộ NN-PTNT, vụ đông xuân 2017 - 2018, ĐBSCL dự kiến xuống giống hơn 1,53 triệu ha lúa. Hiện các tỉnh trong vùng đang củng cố, thực hiện các hợp đồng bao tiêu lúa đông xuân trên diện tích khoảng 200.000ha theo Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa đông xuân Ảnh: NGUYỄN DŨNG
“Sau tết thật vui! Tôi vừa thu hoạch 5 công lúa đông xuân trồng giống lúa thơm, được thương lái mua 7.200 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất tôi bán được trong nhiều năm qua khi làm lúa đông xuân. Ra giêng gia đình chắc ăn tết lớn”, chị Sáu Bảnh, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tươi cười cho biết.
“Không chỉ trúng mùa, trúng giá mà điều phấn khởi hơn là hiện nay thương lái đặt cọc mua lúa của nông dân với giá cao cũng khá phổ biến. Với giá lúa thường đang bán trên 6.000 đồng/kg, lúa thơm khoảng 7.400 đồng/kg trừ cho giá thành sản xuất lúa đông xuân khoảng 4.000 đồng/kg, nông dân sẽ đạt lợi nhuận vượt xa mức 30% lợi nhuận như lâu nay Chính phủ yêu cầu”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang nhận định. Cũng theo ông Đồng, năng suất trà lúa thu hoạch sớm đạt khoảng 6,5 tấn (khá cao), nhưng trà lúa thu hoạch sau sẽ còn cao hơn. “Vụ đông xuân này, nông dân ở đây rất vui. Vì doanh nghiệp đến đặt cọc mua lúa Tài Thơm 8 từ khi nông dân mới xuống giống trên diện tích 300ha”, lão nông Nguyễn Văn Tốt, xã viên HTX Bắc Xà No huyện Vị Thủy cho biết. Được biết, HTX Bắc Xà No là một trong những HTX đầu tiên của Hậu Giang sản xuất lúa theo mô hình hữu cơ. Hiện có 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hậu Giang đang bàn phương án bao tiêu lúa đông xuân với gần 20 HTX sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. “Gia đình tôi sản xuất gần 1ha lúa chất lượng cao. Trước tết, thương lái đặt cọc mua 120.000 đồng/giạ lúa (tương đương 6.000 đồng/kg). Vài ngày nữa thu hoạch là thương lái mua ngay”, anh Trần Văn Hết ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long cho biết.Gia tăng giá trị hạt gạo Năm 2017 khép lại với những “gam sáng” của xuất khẩu gạo Việt Nam khi số lượng xuất khẩu đạt gần 5,8 triệu tấn, tăng khoảng 900.000 tấn so với năm 2016. Đáng chú ý là số lượng gạo cao cấp và gạo thơm các loại xuất khẩu đang chiếm trên 60% (khoảng 3 triệu tấn), hai phân khúc xuất khẩu gạo này tăng trên 50% so với năm 2016. Trong khi đó, phân khúc gạo trung bình và cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12% (khoảng 700.000 tấn). Các chuyên gia lúa gạo nhận định: Đây là sự thay đổi đáng ghi nhận của nông dân trồng lúa, nhất là ở vựa lúa ĐBSCL.
Tấp nập thu mua, vận chuyển lúa gạo ở ĐBSCL
Tại Hậu Giang, bước đầu một số HTX cũng đã tiến hành trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa sạch. Cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân làm nông sản sạch không ai khác là chính quyền địa phương. Chính vì lẽ đó, Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua tín dụng ưu đãi, tiền thuê đất... Đặc biệt, tỉnh đang triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, tạo nền tảng cho mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp góp phần hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, lúa sạch. Tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang triển khai cho nông dân trồng khoảng 400ha lúa áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, để tiếp cận vào thị trường xuất khẩu khó tính ở châu Âu và Mỹ.
“Muốn có gạo chất lượng cao, đảm bảo tiêu chí gạo sạch, thì người dân trước hết phải liên kết sản xuất. Mô hình này muốn thành công phải liên kết từ cấp thấp. Tức là nông dân phải liên kết từ tổ hợp tác, HTX. Trên cơ sở liên kết tổ chức hẳn hoi, ngành hữu quan cũng như ngành nông nghiệp sẽ có trách nhiệm tìm đầu ra. Phải xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn rồi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư đầu vào cũng như đầu ra cho nông dân. Đồng bộ với các nhà khoa học, đầu tư hạ tầng cũng như là chuyển giao khoa học kỹ thuật”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết. Hiện các doanh nghiệp ngành lúa gạo đang “chạy đua”, tập trung đầu tư vào vùng nguyên liệu để tạo các phân khúc xuất khẩu gạo của riêng mình. Tập đoàn Lộc Trời là một điển hình. Doanh nghiệp này xác định: Để xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài phải “ngon từ đất” và “chất từ tâm”. Hay nói đúng hơn là vùng nguyên liệu phải được cách ly hoàn toàn với phân, thuốc hóa học từ hơn 1 tháng trước. Không dừng lại ở đó, trong suốt quá trình canh tác, bà con nông dân cũng chỉ phun thuốc và rải phân, phun thuốc khi thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối những hướng dẫn từ đội ngũ kỹ sư “3 cùng”. Sự thay đổi trong tư duy sản xuất của nông dân từ việc chạy theo sản lượng sang chú trọng chất lượng, có thể nói là một kỳ công khi họ đã chú ý đến nhu cầu của thị trường thông qua “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tất nhiên, điều này cũng tạo ra lực đẩy để ngành nông nghiệp ĐBSCL gia tăng các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm…
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2018 sẽ bị chi phối bởi các nước nhập khẩu như Malaysia, Bangladesh, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc và châu Phi. Trong đó, Trung Quốc là thị trường gần, có lợi thế vận chuyển và nhu cầu đa dạng, phù hợp với cơ cấu chủng loại gạo Việt Nam nhưng cũng tùy thuộc vào giá cạnh tranh. Châu Phi tiếp tục duy trì thị phần gạo thơm nhưng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan. Tương tự, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng phải “kình địch” với Thái Lan tại thị trường Philippines và Malaysia.