Ngành du lịch thành phố cũng đã tận dụng “mùa vàng” cận tết để tăng tốc phục hồi sau đại dịch. Chỉ trong tháng đầu năm, doanh thu toàn ngành đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 57% cùng kỳ và bằng 20% của cả nước. Từ đây, kéo theo mức tăng về thời gian lưu trú, mức độ chi tiêu. Tất nhiên, sẽ còn phải áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, đổi mới hơn nữa để kích cầu, ngăn ngừa chiều hướng đi ngang.
Với “cơn lốc” livestream bán hàng từ quý 3-2023 đến mùa Tết Giáp Thìn, chỉ dấu của một thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước (37%) tiếp tục được thể hiện một cách sôi động. Sau những phiên lên sóng thí điểm, giờ thì mức độ bao phủ đã rộng hơn, sâu hơn và đang tịnh tiến đến tính chuyên nghiệp nhờ dự án Trung tâm Livestream TPHCM (HCMC Livestream City) với tư cách là một hệ sinh thái của nhánh thương mại điện tử trong nền kinh tế số. Trên đây là 3 ví dụ điển hình của sự chuyển động có tính kế tục, sự chuyển đổi trong trạng thái “không còn lựa chọn nào khác” và đã đạt hiệu quả nhất định.
TPHCM là thước đo tăng trưởng quốc gia. Thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp của quý 1 tăng so với cùng kỳ. Số lượng các đơn đặt hàng mới tiếp tục cải thiện, qua đó hỗ trợ tăng việc làm. Đà tăng trưởng duy trì đã giúp việc làm tăng trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh tăng thành mức cao của một năm. Số lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế đều tăng cao so với cùng kỳ đã kéo theo đó là sự tăng trưởng của các ngành phụ trợ như dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ hành đều tăng trưởng tốt.
Tính đến giữa tháng 3-2024, tổng số vốn đầu tư đã giải ngân vẫn chưa đạt như kỳ vọng, dẫn đến làm giảm sự lan tỏa của trụ cột tăng trưởng này. Đầu tư nước ngoài vào TPHCM cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, TPHCM lại đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn ngoại cả về số dự án lẫn số vốn đầu tư, về số dự án mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp TPHCM trên cửa khẩu cả nước trong quý 1 đã tăng trưởng trở lại. Thu ngân sách và chi ngân sách đều tăng so với cùng kỳ.
Tuy vậy, thành phố luôn chủ động, trực diện nắm bắt những khó khăn để nhanh chóng xây dựng các “kịch bản” ứng phó. Mà đầu tiên là dự báo nợ xấu gia tăng từ nửa cuối năm 2024, với khả năng không trả nợ đúng hạn tăng cao đối với các lĩnh vực có rủi ro như: bất động sản, xây dựng. Rủi ro này có thể được giảm thiểu một phần nhờ lãi suất ở mức thấp hoặc nếu thành công trong việc phát triển thị trường vốn để doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tìm nguồn tài chính dài hạn hơn để giải quyết các vấn đề ngắn hạn và trung hạn.
Hai nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc phục hồi chậm nên sẽ có những ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước và thành phố. Số lượng doanh nghiệp giải thể tăng, chợ truyền thống giảm, thị trường bất động sản chưa phục hồi. Thị trường bất động sản mặc dù có tăng nhưng pháp lý vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc. Sự đóng băng này dẫn đến tính thanh khoản của các dạng tiền tệ khác như USD, vàng…
Song, có một thực tế là vượt lên những khó khăn, cản ngại, tại TPHCM nhiều công trình, dự án, nhất là ở lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, ngay trong khâu “xương xẩu” nhất là giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ hiệu quả nhờ vào những cách làm mới. Quyết tâm và hành động của chính quyền thành phố, trách nhiệm và năng lực đổi mới, sáng tạo của bộ máy công vụ, chỉ đạo và hỗ trợ của trung ương đã thúc đẩy các công trình trọng điểm, dân sinh tháo treo, hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành. Và đó chính là “chỉ số tín nhiệm” cao nhất để trên đà trách nhiệm ấy, hệ thống công vụ sẽ phát huy và đột phá trong quý 2.