Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Hàm Liêm là nơi cán bộ, chiến sĩ ra Bắc vào Nam dừng chân ẩn trú, làm bàn đạp tiến về Phan Thiết - một trong những cơ quan đầu não của địch. Với vị trí ấy, xã Hàm Liêm trở thành mục tiêu đánh phá quyết liệt của địch. Trong 2 cuộc kháng chiến, vùng đất này hầu như không mảnh ruộng, mảnh vườn nào không bị “đạn cày, bom xới”, không ngôi nhà nào nguyên vẹn.
Nhớ về những ký ức hào hùng ngày ấy, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đăng bồi hồi: “Sức mạnh của các phương tiện chiến tranh của địch chỉ tàn phá cây cối, nhà cửa, đất đai, chứ không thể hủy hoại được niềm tin, sức sống kiên cường của lớp lớp người Hàm Liêm kiên cường”.
Đồng chí Nguyễn Quang Minh, Bí thư Đảng ủy xã Hàm Liêm, cho biết: “Ngày ấy, xã có không quá 4.000 người, nhưng khi kết thúc chiến tranh có tới 712 chiến sĩ cách mạng hy sinh. Hàng trăm thương binh còn mang trong mình nhiều vết thương và di chứng đạn bom. Người có công với cách mạng của xã chiếm hơn 20% dân số, xã có 151 Mẹ Việt Nam anh hùng. Do lập nhiều thành tích xuất sắc, Hàm Liêm được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong đợt đầu của miền Nam gồm có 36 xã”.
Nhiều vị bô lão trong xã cho biết, Hàm Liêm sau 30-4-1975 thường được nhắc đến với tên gọi “làng liệt sĩ” như muốn nhắc nhở về sự hy sinh, mất mát to lớn trên vùng đất anh hùng này. Không chỉ vậy, chiến tranh còn khiến Hàm Liêm trở nên xơ xác, tiêu điều. Những năm đầu sau ngày giải phóng, cuộc sống của người dân xã anh hùng gặp rất nhiều khó khăn. Đợt mất mùa năm 1977 càng khiến cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ. Thế nhưng, với bản chất anh dũng, kiên cường, chịu thương, chịu khó, người dân Hàm Liêm đã từng bước đứng dậy đi lên.
Sự phát triển của Hàm Liêm bắt đầu từ giai đoạn đất nước đổi mới và thực sự mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt từ khi có nguồn nước hồ Sông Quao và kênh Châu Tá 812, xã chuyển từ trồng lúa sang thanh long, giúp người dân ổn định sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, toàn xã hiện đang có hơn 1.100ha cây thanh long. Nhiều diện tích được trồng theo công nghệ VietGAP cho năng suất cao. Ngoài ra, với mô hình nuôi chim yến trong vườn thanh long, nhân dân xã đã biến vùng đất vốn được xem là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” trở nên trù phú.
Năm 2017 xã được tỉnh công nhận là xã nông thôn mới, người dân có mức thu nhập bình quân đầu người 34,5 triệu đồng/năm; hơn 945 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi. Trong đó, có nhiều thương bệnh binh, người có công trở thành những tấm gương tiêu biểu “người công dân kiểu mẫu” và “gia đình cách mạng gương mẫu” để các thế hệ noi theo.
Về Hàm Liêm hôm nay những ngôi nhà tranh xiêu vẹo đã nhường cho những ngôi nhà khang trang, bề thế. Nhìn những con đường, ngôi trường, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự thay da đổi thịt nơi đây. Cuộc sống của người dân Hàm Liêm đã và đang bước khởi sắc đáng kể.