LTS: Các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng cộng đồng, rừng đầu nguồn… dọc dài dãy Trường Sơn đang nổi lên là những địa chỉ du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm thu hút lượng lớn du khách. Từ đó tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân bản địa. Cùng đó, mô hình bán tín chỉ carbon và trồng rừng gỗ lớn được phát huy đã trở thành hướng đi mới cho các chủ rừng trong việc bảo vệ rừng hiệu quả và phát triển sinh kế hàng triệu người.
Những khu rừng hy vọng
"Thủ phủ" sâm Ngọc Linh - huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã mở tour đến vùng sâm... ngắm cảnh. Bà Hồ Thị Mười, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Ngọc Linh (huyện Nam Trà My), chia sẻ, người dân địa phương có luật bất thành văn là tuyệt đối không để người lạ vào vườn sâm. Nhưng nay, khi cây sâm mang lại nguồn kinh tế cao, người dân đã cởi mở hơn trong việc đón khách thăm vườn. Dưới tán rừng Ngọc Linh, du khách được các già làng kể về bài thuốc chữa bách bệnh khiến nhiều người tò mò, thích thú. Dần dần, cây sâm Ngọc Linh đã được hình thành ở Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh huyền bí. Nằm sâu trong rừng nguyên sinh, Động Châu - Khe Nước Trong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích hơn 22.000ha.
Người dân bản địa là cộng đồng người Bru Vân Kiều xưa nay sống dựa vào nương rẫy, chưa bao giờ nghĩ đến một ngày núi rừng mở cửa đón khách du lịch. Nhưng từ năm 2020 đến nay, nhiều hộ dân Vân Kiều mở lòng, mở cửa nhà sàn làm du lịch. Ở bản Ho Rum (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), chị Hồ Thị Son, Hồ Thị Min đã mở được Son homestay và Min homestay trong 3 năm qua. Theo chị Son, trước đây chị hoàn toàn không biết đón khách hay làm du lịch là gì. Nhưng, nhờ hướng dẫn tận tình của các anh chị trong ngành du lịch đưa khách vào thám hiểm Động Châu - Khe Nước Trong, chị Son bắt đầu nấu cơm, bán gà, bán măng và cho khách ngủ lại nhà. Đến nay, chị đã thành thạo việc đón khách cả nước về bản. Dù bản chưa có điện nhưng khách đến đều thích cảnh núi non hùng vĩ, rừng xanh mát không nơi nào có được.
>> Clip Khám phá Bản Ho Rum. Thực hiện: MINH PHONG - TRẦN CƯƠNG
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn tại khu vực Bắc Trung bộ. Nhiều người chọn Pù Luông là điểm đến, nơi nghỉ dưỡng vì nơi đây có khí hậu quanh năm mát mẻ, chỉ 18-22°C, phong cảnh đẹp với rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang, đồi cọ... Dưới những tán rừng, các nếp nhà sàn của người Thái trở thành các điểm homestay, bên những chân núi là các resort, nhà nghỉ được xây dựng hài hòa.
Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa), chia sẻ, du khách đến với Pù Luông đem lại nguồn thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tiêu chí hàng đầu của địa phương là giữ được rừng nguyên sinh và bản sắc văn hóa của đồng bào Thái. Bây giờ, người dân nơi đây đã thấy được giá trị thực sự từ rừng, giá trị ấy không phải do chặt cây lấy gỗ, lấy đất canh tác, mà là do giữ được cây, giữ được rừng.
Ông Thào A Thăng (bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước) cho biết: “Chúng tôi gọi rừng Pù Luông là “những cánh rừng hy vọng” do rừng không bị chặt phá nên khách du lịch đến ngày mỗi đông. Bản có thác Hiêu hùng vĩ, khách càng thích thú. Chính vì thế, bà con ở đây có nguồn thu từ đón khách, bán ẩm thực, sản vật địa phương cho thu nhập tiền triệu, có thêm tiền cho con cái ăn học, phát triển sinh kế”.
Nâng tầm sản vật bản địa
Khi tham gia khám phá những cánh rừng dọc dải Trường Sơn, du khách được hàng triệu người dân thết đãi ẩm thực, sản vật dung dị mà khác biệt, mang lại cảm giác thú vị. Chị Hồ Thị Son kể: “Từ phục vụ du khách mà các sản vật của địa phương ngày càng được nhiều người biết đến, người dân cũng trở nên khấm khá nhờ sức mua ngày càng tăng”. Sản vật mà chị Son nói đến đó là gà bản thả rừng và dược liệu là nhiều cây thuốc được hái trong rừng phục vụ du khách ngâm chân sau khi thám hiểm rừng già trở về. Để đảm bảo sản vật phục vụ du khách, người đây phải huy động nhiều nhân công: người nuôi gà, người tìm cây thuốc, tạo ra vòng tuần hoàn khép kín.
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Nettin (khai thác tuyến du lịch mạo hiểm trong Khu bảo tồn Động Châu - Khe Nước Trong), cho biết, với cách làm du lịch hiện nay, chị Son đã tạo ra việc làm gián tiếp cho hàng chục người trong bản, từ đó mà kinh tế đi lên dần.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2030, mục đích nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch thân thiện một cách bài bản cho đồng bào vùng cao.
Còn ông Thào A Thăng thì kể vui: “Từ ngày du khách lên với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, kinh tế đặc sản mới trong vùng được săn đón, tạo ra việc làm cho người dân địa phương. Đó là đi săn cá mát trên các sông suối, mỗi đêm như thế cho thu nhập khá”. Cá mát là loài cá nước ngọt, lành tính, thơm ngon, sống dọc dài dãy Trường Sơn. Cá mát đầu nguồn to như bàn tay, bán 500.000 đồng/kg, đêm săn được 3kg, kiếm được 1,5 triệu đồng. Đấy là thu nhập cao với dân bản. Khi du khách ngày càng tìm về rừng núi khám phá, trải nghiệm thì đồng nghĩa với việc người dân địa phương có công ăn việc làm, tăng thu nhập. Với lượng du khách tìm đến những cánh rừng già ngày mỗi đông, để tạo hành lang cho kinh tế rừng xanh phát triển, các địa phương dọc dài dãy Trường Sơn cũng có các quyết sách sát sườn cho hàng triệu đồng bào phát triển sinh kế không tác động tiêu cực vào rừng, nhằm khai thác giá trị rừng xanh ngày càng tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng cho biết: “UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, với kinh phí khoảng 182,93 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, khu bảo tồn này đón được khoảng 15.800 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 30%; đến năm 2030, đón khoảng 27.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 35%. Đến năm 2030, đưa tỷ trọng nguồn thu từ du lịch trở thành nguồn thu chính, tái đầu tư cho Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Với dòng khách như thế, các kiến thức bản địa về cách thức giữ rừng, sống với thiên nhiên của người dân khu vực Pù Luông sẽ theo chân du khách”.
Quy hoạch, có chiến lược khai thác du lịch thám hiểm hang động
Ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), cho biết, năm 2023, Quảng Bình phát hiện thêm 5 hang động đẹp tại xã Lâm Hóa, địa phương đã làm quy hoạch nhằm có chiến lược phát triển vùng thắng cảnh hùng vĩ nơi đây. “Chúng tôi xem đây là hình ảnh hiếm có, đặc sắc nhằm phát triển kinh tế cho địa phương trong tương lai”, ông Hoài Nam tự tin. Còn ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, địa phương đã quy hoạch Phong Nha - Kẻ Bàng bài bản, chiến lược, biến di sản thiên nhiên thế giới thành trung tâm du lịch mạo hiểm của châu Á. Thám hiểm hang động là đam mê có tính toàn cầu, nên địa phương bám vào đó nhằm tạo sức hút cho du khách, để người dân có thêm việc làm, ổn định cuộc sống, làm giàu. Đây là phương cách tốt để giữ rừng di sản, giữ vững cảnh quan riêng có nơi này.