Bội thu
Trong dịp Tết Kỷ Hợi, nhiều đoàn du khách và người dân xứ Huế đã chọn hoàng cung (Đại nội Huế) là điểm du xuân. Ngay trong ngày mùng 1 Tết, các đoàn du khách quốc tế đã đến đây để tham quan nơi ở và làm việc của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Không chỉ không gian ngập tràn sắc xuân với các loại trang phục truyền thống, những câu đối, sắc hoa, du khách còn được trải nghiệm không khí tết xưa tại cung Diên Thọ qua những hình bóng xứ Huế xưa, đặc biệt là không khí gói bánh chưng, bánh tét, phong vị tết trong âm hưởng của điệu chầu văn.
Ông Margan (du khách người Australia) vui vẻ nói: “Bước vào Đại nội Huế, chúng tôi cảm nhận được sự bình an, trong lành và không khí lễ tết rực rỡ. Điều đó khiến chúng tôi cảm nhận được sự nồng nhiệt, thân thiện và ấm áp của con người xứ sở này. Đây quả là một trải nghiệm khó quên”. Còn chị Nguyễn Thị Hoa, đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Huế du xuân, không khí thật tuyệt vời. Tại hoàng cung, tôi đã được xem và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, xin chữ cầu bình an…”.
Cùng với việc miễn phí vé tham quan cho khách người Việt Nam trong 3 ngày Tết Kỷ Hợi, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách như: lễ đổi gác, múa lân sư rồng, múa võ cổ truyền, biểu diễn nhã nhạc và các trò chơi cung đình. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 ở khu di sản Huế chính thức kết thúc với chuỗi hoạt động trong sáng mùng 7 Tết, gồm: Lễ hạ nêu tại Triệu Miếu, khai ấn tân niên tại Thế Miếu và tặng chữ chúc xuân tại điện Long An.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, trong những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, lượng khách đổ dồn về đây vui xuân, đón tết rất đông, báo hiệu cho một năm bội thu của ngành du lịch. Từ ngày 2 đến 10-2, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường hàng không trên 449 chuyến bay với gần 70.000 khách (tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái). Cũng trong thời gian này, 2 tàu du lịch hạng sang là Superstar Virgo và Costa Atlantica đã mang 3.900 khách từ thị trường Đông Bắc Á cập cảng Tiên Sa và được các đơn vị lữ hành tổ chức tham quan, trải nghiệm tết Việt.
Cùng với đó, tại các quần thể, di tích Bắc miền Trung như chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), động Thiên Đường, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) đã có hàng chục ngàn người dân và du khách tìm đến tham quan, vãn cảnh, cầu phúc đầu năm.
Một năm đầy hứa hẹn
Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý lưu trú (thuộc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết, nhiều du khách luôn muốn tìm hiểu về những phong tục, văn hóa khác biệt trong ngày tết ở Huế. Bắt kịp nhu cầu đó, các doanh nghiệp đã chủ động tổ chức những tour khám phá chợ quê, chợ hoa ngày tết. Những chợ phiên xa TP Huế như Quảng Ngạn, Mỹ Lợi được các doanh nghiệp lữ hành đưa vào lịch trình tour để khai thác.
Cùng với việc đẩy mạnh liên kết để khai thác lợi thế của 4 di sản và kiệt tác văn hóa được UNESCO công nhận, gồm: quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn với tên gọi “Ba địa phương - một điểm đến”, trong kế hoạch phát triển du lịch năm 2019, 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng còn nỗ lực tạo ra những sản phẩm du lịch mới và độc đáo để thu hút du khách.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết, ngoài festival nghề truyền thống được tổ chức định kỳ vào cuối tháng 4 trong năm 2019, địa phương sẽ triển khai tổ chức thử nghiệm festival 4 mùa, tiếp tục tổ chức cuộc đua xe đạp quốc tế Coupe de Huế 2019 và ngày hội chạy marathon Huế 2019, thử nghiệm đua xe đạp lòng chảo sân vận động Huế… Mục tiêu là xây dựng ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Huế - kinh đô của lễ hội và ẩm thực, tạo động lực nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phấn đấu năm 2019, Thừa Thiên - Huế đón khoảng 4,5 - 4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018 (trong đó, khách quốc tế chiếm 40% - 45%). Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt 4.700 - 4.900 tỷ đồng.
Trong khi đó, Đà Nẵng dự kiến đón 8,19 triệu lượt khách du lịch trong năm 2019, đưa tổng thu du lịch đạt 27.400 tỷ đồng (tăng 13,9% so với ước thực hiện năm 2018). Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết, địa phương đang hoàn thiện Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có cả thuê tư vấn nghiên cứu về ngưỡng phát triển du lịch TP Đà Nẵng (sức chứa) để đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Còn theo ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, bên cạnh việc đầu tư phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thu hút thêm du khách, địa phương tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường du lịch tốt; thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lao động du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.