TS TẠ DUY LINH - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TPHCM:
Tích hợp chuỗi giá trị du lịch
Để TPHCM phát triển hiệu quả loại hình du lịch canh nông, chúng tôi thiết nghĩ, các bên liên quan mà chủ đạo là Sở Du lịch TPHCM nên chú ý việc thực hành du lịch canh nông trong chiến lược phát triển du lịch của thành phố. Sở Du lịch có thể phối hợp Sở NN-PTNT nhằm lựa chọn, triển khai điểm đến du lịch canh nông đặc sắc ở các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và TP Thủ Đức.
Việc xây dựng điểm đến cần được thực hiện theo định hướng phát triển bền vững, cùng với việc tích hợp các giá trị độc đáo của tài nguyên địa phương, cũng như nguồn lực sẵn có trong cộng đồng. Chúng ta có thể định vị và nhận diện được “chuỗi giá trị kép” khi triển khai mô hình du lịch canh nông tại TPHCM. Chuỗi giá trị du lịch và nông nghiệp khi được đặt vào mối quan hệ “cộng hưởng” sẽ giải quyết rất tốt vấn đề quảng bá điểm đến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gia tăng giá trị cho hàng hóa dịch vụ du lịch của địa phương. Vấn đề quan trọng là thiết kế được động lực tăng trưởng phát triển du lịch canh nông cho TPHCM dựa vào sức mạnh của công nghệ và kinh nghiệm từ thực tiễn du lịch canh nông tại Việt Nam và thế giới.
Chú ý tập huấn nâng cao nhận thức, nghiệp vụ thực hành du lịch canh nông cho nông dân, giúp họ thấu hiểu những giá trị đa diện, bao trùm mà du lịch mang lại khi “cộng sinh” với các thực hành nông nghiệp để kiến tạo sản phẩm du lịch canh nông. Những giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực du lịch canh nông cần được chú trọng và triển khai để xây dựng được đội ngũ lao động am hiểu sâu sắc về thực hành nông nghiệp và du lịch. Chúng ta cũng cần những diễn đàn đối thoại, hiến kế phát triển du lịch canh nông giữa các nhà kinh doanh lữ hành, chuyên gia, nông dân, đội ngũ quản lý nhà nước và cơ quan truyền thông để phát huy sức mạnh hệ thống trong việc lan tỏa các giá trị thực hành du lịch canh nông trên địa bàn TPHCM. Ở các tỉnh thành tại Việt Nam, nhất là khu vực Nam bộ, để phát triển loại hình du lịch canh nông, cần có quy hoạch về vùng trồng và sản xuất nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất, tránh việc rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.
Ngoài ra, chú ý khâu chế biến và gia tăng giá trị của nông sản sau thu hoạch để chuỗi giá trị nông nghiệp được hình thành và tích hợp dễ dàng với chuỗi giá trị du lịch. Chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp đang có xu hướng đóng góp mạnh mẽ cho quá trình gia tăng giá trị. Đơn cử như tỉnh Trà Vinh, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, giá trị gia tăng từ chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp là 444.000 đồng/khách chiếm 27,8% giá trị toàn chuỗi (kết quả khảo sát năm 2021-2022). Để gia tăng chuỗi giá trị du lịch canh nông, sự sáng tạo và quyết tâm xây dựng điểm đến độc đáo là vấn đề mấu chốt hiện nay. Có thể nói Trà Vinh đã đi tiên phong trong việc xây dựng các điểm đến du lịch canh nông nổi tiếng tại Nam bộ như Cồn Chim (huyện Châu Thành), Cồn Hô (huyện Càng Long) và đang có định hướng xây dựng thêm điểm đến ở Cồn Ông (thị xã Duyên Hải).
Muốn thúc đẩy phát triển tốt loại hình du lịch canh nông, các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ để tạo được các xu hướng dịch chuyển du khách từ vùng đô thị sầm uất đến không gian nông thôn yên bình và chứa đựng nhiều thông điệp thực hành du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm. Ở đó, việc liên kết trong phát triển rất quan trọng. Hiện nay, TPHCM đã có nhiều chương trình liên kết hỗ trợ phát triển du lịch cho ĐBSCL, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc Trung bộ… Đó cũng là động lực tốt để quảng bá, kích cầu du lịch canh nông cho từng địa phương.
Việt Nam có lợi thế cốt lõi về phát triển du lịch canh nông với hệ sinh thái tự nhiên và nông nghiệp rất đặc sắc lẫn đời sống thực hành văn hóa nông thôn độc đáo. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng du lịch được cải thiện đáng kể, việc tiếp cận và thụ hưởng các giá trị du lịch tại vùng nông thôn ngày càng thuận tiện và dễ dàng. Các chương trình nâng cao sản xuất và chế biến sản phẩm được nảy sinh, tiêu biểu là chương trình OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm). Lượng hàng hóa nông nghiệp đã dần được cải thiện về bao bì, mẫu mã, quy trình chất lượng được đảm bảo là “cơ hội vàng” cho du lịch canh nông “cất cánh”. Vấn đề là, chúng ta cần phá bỏ thế rời rạc về giá trị mà thay bằng hệ thống kết nối chuỗi cung ứng liên tỉnh, liên vùng để khai thác tốt lợi thế từng ngành nông nghiệp mỗi địa phương.
Ông PHẠM HẢI QUỲNH - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam:
Kết nối du lịch cộng đồng các địa phương
Du lịch cộng đồng miền Bắc được xem là cái nôi của du lịch cộng đồng Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi có những sáng kiến kết nối cộng đồng địa phương và tạo lập các mô hình du lịch cộng đồng, khởi đầu từ Quan Lạn - Vân Đồn (Quảng Ninh); tiếp đó tới Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum... Du lịch cộng đồng đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp; tạo sinh kế, cải thiện đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại các địa phương. Các mô hình du lịch cộng đồng góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn minh, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nguồn thu từ chi tiêu của khách du lịch được sử dụng để mang lại lợi ích cho cộng đồng trong việc bảo tồn tài nguyên và di sản, bên cạnh việc giúp đỡ cư dân địa phương cải thiện thu nhập.
TS TRƯƠNG SỸ QUÝ - Nguyên Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng:
Giúp người dân cùng hưởng lợi
Khi du lịch cộng đồng phát triển, dễ gia tăng mâu thuẫn trong cộng đồng giữa người làm du lịch với người không làm du lịch ở địa phương. Vì vậy, cần nghiên cứu sản phẩm cụ thể trước, trong và sau mùa du lịch. Trên nền tảng những cái đang có, các đơn vị hỗ trợ hợp tác xã du lịch xây dựng quy trình cho có hệ thống. Trong đó cần có các dịch vụ phụ trợ, dịch vụ gia tăng kèm theo chương trình du lịch cho những người không có đủ vốn để làm du lịch, mọi người chung tay làm. Khi lực lượng hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng càng nhiều, mâu thuẫn ở địa phương sẽ giảm. Cũng cần khai thác tối đa vai trò của các đoàn thể, hội cựu chiến binh, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân…