
Gia Lai, Kon Tum có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Đó là thiên nhiên hùng vỹ, những thắng cảnh tuyệt đẹp, nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Các tỉnh đã tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách; tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư du lịch. Nhờ đó, ngành du lịch đã có bước phát triển khởi sắc khi du khách khắp nơi chọn 2 tỉnh để nghỉ dưỡng.
Những ngày qua, chị Y Gia Nhi (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đang tất bật dẫn khách tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng của địa phương như thác Siu Puông, đồi săn mây, vườn dược liệu. Để phục vụ khách, chị học thêm ngoại ngữ, mua sắm vật dụng phục vụ cắm trại, lập đội xe thồ, nấu ăn, đội cồng chiêng. Chỉ riêng năm 2024, chị đã tổ chức tour phục vụ tham quan, du lịch cho 500 khách ở các tỉnh, thành trên cả nước.

“Xã Đăk Na có thiên nhiên hùng vỹ, nhiều thắng cảnh đẹp. Mọi thứ còn nguyên sơ, mộc mạc, gần gũi thiên nhiên. Đây là yếu tố giúp du khách yêu mến, chọn Đắk Na để thưởng lãm cảnh đẹp. Sản phẩm du lịch khách thích thú nhất là cắm trại qua đêm tại thác, ngắm đồi săn mây, tham quan vườn dược liệu, hòa mình vào ngôi làng Xơ Đăng tuyệt đẹp. Thông qua hoạt động phục vụ khách, khoảng 50 người Xơ Đăng trong làng do mình lập ra được hưởng lợi”, chị Y Gia Nhi nói.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn huyện, nhiều sản phẩm du lịch được khách chọn lựa trải nghiệm như dã ngoại, tham quan thác, thăm làng du lịch cộng đồng, ngắm đồi săn mây, ruộng bậc thang. Đặc biệt là mô hình tham quan vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới đang được du khách yêu thích. Trong các đặc sản du lịch nói trên, đồng bào Xơ Đăng trực tiếp phục vụ thông qua chở khách, chế biến ẩm thực, bán dược liệu, biểu diễn cồng chiêng. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào Xơ Đăng đã có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Theo bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, du lịch tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển khá với lượng khách tăng hàng năm. Đơn cử, như năm 2023, tỉnh đón hơn 1,3 triệu lượt khách. Đến năm 2024, lượng khách đến tỉnh ước đạt 2,3 triệu. Đến nay, tỉnh đã công nhận 13 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Sự phát triển của ngành du lịch đã mang lại những chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tỉnh đang tích cực khảo sát, đánh giá để xem xét công nhận thêm các điểm du lịch mới, góp phần mở rộng các loại hình du lịch, tăng sức hấp dẫn của Kon Tum đối với du khách trong và ngoài nước.
Tại Gia Lai, lượng khách du lịch cũng tăng. Theo UBND tỉnh Gia Lai, tổng lượt khách đến địa bàn năm 2024 là hơn 1,3 triệu lượt, tăng 11,7% so với năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 890 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Trong năm 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư du lịch. Phấn đấu năm 2025, khách đến tham quan, du lịch ở Gia Lai đạt 1,7 triệu lượt, tổng thu du lịch dự kiến đạt 950 tỷ đồng.