Khôi phục ngành công nghiệp không khói

Dù đến 15-3, Việt Nam mới chính thức mở cửa du lịch quốc tế, nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, du khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3-2022 đạt 41.700 lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung quý 1-2022, khách quốc tế đến ước đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa càng sôi động hơn sau khi mở cửa phục hồi kinh tế từ tháng 10-2021, nhất là dịp Tết Nhâm Dần. Riêng tháng 2-2022, lượng khách du lịch nội địa tăng 380% và hứa hẹn có sự bùng nổ về lượng khách, doanh thu dịch vụ vào dịp lễ 30-4, 1-5, cũng như kỳ nghỉ hè sắp tới… 

Liền kề với trung tâm du lịch lớn nhất cả nước là TPHCM, du lịch miền Tây Nam bộ cũng đang tăng tốc phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Đại hội Hiệp hội Du lịch vùng ĐBSCL lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027 đã kết thúc tốt đẹp. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành du lịch cấp vùng duy nhất hiện nay trên cả nước. Những năm qua, đã có nhiều hoạt động thiết thực tăng cường liên kết vùng, xúc tiến, quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển không gian du lịch, sản phẩm du lịch vùng và nguồn nhân lực, góp phần vào tăng trưởng bình quân lượng khách du lịch khoảng 12%/năm. Tuy nhiên, sau 2 năm liên tiếp xảy ra đại dịch, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Hiện tại, với những chuyển biến tích cực, du lịch ĐBSCL đang được kỳ vọng trở thành ngành đi trước, phục hồi phát triển kinh tế. 

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực từ giao thông vận tải, tổ chức biểu diễn, ăn uống, vui chơi giải trí đến an ninh trật tự... Do đó, muốn phục hồi và phát triển tốt ngành du lịch, chúng ta cần tiếp cận tổng thể, có sự kết nối chặt chẽ mang tính tổng hợp của nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều địa phương, đơn vị... Vì vậy, khi được chọn làm khâu đột phá để phục hồi, phát triển kinh tế, du lịch sẽ có tác động thu hút, lan tỏa động lực nhiều hơn. Chúng ta đang ở thời điểm tái cấu trúc, định hình lại cách thức phát triển, tính toán nguồn lực để huy động, vận hành các kịch bản phát triển sau đại dịch Covid-19. Cùng với việc huy động, bố trí nguồn lực, cần xác định rõ đâu là nhiệm vụ trọng tâm, cơ quan nào chịu trách nhiệm từng đầu việc, thời hạn hoàn thành… nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, cần thực thi tốt các nhóm giải pháp phục hồi và tăng trưởng du lịch trong an toàn. Tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư. Đổi mới công nghệ, trong đó có công nghệ chuyển đổi số cho ngành du lịch trong giai đoạn tăng trưởng mới, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận tốt nhất các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch.

Cần huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với tiêu chí du lịch an toàn. Ưu tiên thực hiện các nội dung như số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho du khách tại các địa bàn du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; khuyến khích các mô hình check-in, đo thân nhiệt tự động để tạo cảm giác thoải mái cho du khách mà vẫn đảm bảo an toàn. 

Có thể nói, việc mở cửa, khôi phục ngành kinh tế tổng hợp này là một phần quan trọng trong tổng thể hoạt động phục hồi kinh tế đất nước, các vùng miền và địa phương. Thành công của kế hoạch thí điểm đón du khách quốc tế mang tính mở đường cho việc khôi phục lại “ngành công nghiệp không khói” của đất nước. Do đó, cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… chính là cách thức để ngành du lịch sau “cơn đau” mau khỏi bệnh, nhanh chóng phục hồi và phát triển an toàn… 

Tin cùng chuyên mục