Giá trầu sụt giảm
Men theo con đường nông thôn ấp 5 (xã Vị Thủy), đâu đâu cũng thấy những vườn trầu xanh ngát, thẳng tắp chạy dài nối nhau từ nhà này sang nhà khác. Bà Phan Thị Năm, dù tuổi đã cao (gần 80) nhưng vẫn cần mẫn vừa bón phân, vừa tưới nước cho hơn 1.000 nọc trầu của mình. “Mấy hôm nay, thời tiết nắng nóng quá nên phải tăng cường tưới nước cho vườn trầu, nhằm đề phòng trầu bị khô, héo lá, thậm chí thiệt hại…”, bà Năm bộc bạch. Theo bà Năm, thời điểm này, chăm sóc vườn trầu khá vất vả, nhưng lo nhất là giá trầu sụt giảm mạnh, bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Bà Năm kể: “Dịp Tết 2020 vừa rồi, giá trầu tăng lên từ 10.000 - 15.000 đồng/ốp (1 ốp bằng 40 lá) giúp nhiều gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng để mua sắm tết. Tuy nhiên, gần đây do đầu ra khó khăn nên trầu sụt giảm chỉ còn 2.000 đồng/ốp. Đây là khó khăn chung của nhiều loại nông sản, nên phải chấp nhận và cần nỗ lực vượt qua”.
Theo ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Trầu Vàng (xã Vị Thủy), việc lá trầu tăng giảm vẫn thường xảy ra, nhưng năm nay được xem là khó nhất. Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài, khiến bà con tốn công sức và chi phí để ứng phó; cộng với dịch Covid-19 dẫn đến tiêu thụ chậm, giá quá thấp nên người trồng trầu không thu được gì. Nếu như trước đây, cứ 10 ngày là nông dân trồng trầu thu hoạch 1 lần, cung ứng cho thương lái chở đi các nơi tiêu thụ và xuất khẩu; nay do khó bán nên bà con giãn thời gian thu hoạch xa ra hoặc hái bỏ bớt những trầu bị già, vàng lá… chấp nhận giảm thu nhập trong giai đoạn khó khăn chung như hiện nay. “Dịch Covid-19 đã lắng xuống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại, hy vọng thời gian tới việc tiêu thụ trầu sẽ mạnh lên…”, bà Phan Thị Sáng, hơn 30 năm trồng trầu ở xã Vị Thủy, tâm sự.
Quyết giữ vườn trầu
Chỉ chúng tôi vườn trầu gần 2.000 nọc của mình, chị Đào Thị Quyên, ngụ ấp 5 (xã Vị Thủy) cho biết: “Thật ra, nhiều loại nông sản ở ĐBSCL luôn gặp tình trạng nay tăng giá, mai giảm là bình thường theo quy luật thị trường, và lá trầu ở Vị Thủy cũng không ngoại lệ. Lúc này tuy khó tiêu thụ nhưng phần lớn người dân tiếp tục chăm sóc vườn trầu, bởi đây là cây truyền thống gắn bó hơn 50 năm ở xứ này”. Chị Quyên cho rằng, nhìn bên ngoài thấy trồng trầu đơn giản, giống như để chơi… nhưng thực tế cây trầu giúp rất nhiều hộ từ khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. “Điển hình như vợ chồng tôi, lúc đầu chỉ trồng vài trăm nọc trầu xung quanh nhà, sau đó tích lũy đồng lời để mở rộng thêm diện tích lên mấy ngàn nọc. Vừa trồng trầu, vừa làm thêm 2,5 công ruộng, mỗi năm dư một ít và đến nay đã mua thêm được 10 công ruộng, xây nhà tường kiên cố, nuôi 2 con học xong đại học…”, chị Quyên khoe. Trường hợp của bà Phan Thị Năm cũng vậy, ban đầu chỉ trồng một số trầu quanh nhà, rồi phát triển dần lên vài ngàn nọc trầu. Những năm trúng mùa, được giá, bà Năm dành dụm mua đất theo dạng “góp gió thành bão”, lần hồi được gần 20 công. 4 người con của bà Năm khôn lớn cũng nhờ trồng trầu kết hợp với canh tác lúa…
Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy nhận định: “Vào năm 2019, chúng tôi có khảo sát chi tiết các vườn trầu Vị Thủy để đề nghị tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Theo đó, cái lợi của nghề này là bà con tận dụng đất trống xung quanh nhà, bờ vườn bỏ hoang… để trồng trầu nhằm tăng thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Do trầu cho thu hoạch quanh năm nên chỉ cần giá dao động 2.500 - 3.500 đồng/ốp là bà con đạt tới 100 triệu đồng/công/năm, cao gấp nhiều lần so trồng lúa. Chính từ hiệu quả đó mà diện tích trầu của xã Vị Thủy được mở rộng lên khoảng 33ha, với gần 200 hộ canh tác, thuộc dạng lớn nhất ở ĐBSCL”. Theo ông Kính, cùng với việc trồng trầu để mưu sinh thì nghề này còn giữ một nét văn hóa rất đặc sắc, bởi xưa nay lá trầu được làm lễ vật trong cưới hỏi; rồi lá trầu (cùng trái cau, giấy vàng bạc) làm cây nêu treo trước cửa nhà rước giao thừa đón Tết. Ngoài ra, lá trầu còn được sử dụng làm dược liệu…
“Thuận lợi hiện nay là vườn trầu Vị Thủy đã được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống; HTX Trầu Vàng cũng thành lập nhằm liên kết tìm đầu ra cho lá trầu… Về lâu dài, Sở VH-TT-DL tỉnh Hậu Giang cùng với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ VH-TT-DL đã đến khảo sát làng trầu Vị Thủy, xây dựng đề án phát triển du lịch vườn trầu. Bà con rất háo hức làm du lịch nhằm giới thiệu vườn trầu truyền thống địa phương đến với du khách xa gần. Đây cũng là một trong những giải pháp vừa khôi phục, giữ gìn và phát triển làng trầu độc đáo còn sót lại ở vùng ĐBSCL hiện nay”, ông Nguyễn Văn Kính, kỳ vọng.
Bà Phan Thị Năm (gần 80 tuổi) vẫn cần mẫn chăm sóc vườn trầu