Theo Điện Elysée, cuộc thảo luận kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ giữa 350 sinh viên, chủ doanh nghiệp, lãnh đạo trẻ cùng khoảng 50 quan chức địa phương và lãnh đạo các tổ chức diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, không giới hạn lĩnh vực. Mọi người được quyền chất vấn về địa vị của các cộng đồng châu Phi, bao gồm những người châu Phi sống ở Pháp, những người hai quốc tịch và con cháu người gốc Phi.
Theo giới quan sát, việc Chính phủ Pháp mở buổi thảo luận đặc biệt này cho thấy quyết tâm muốn khôi phục lại hình ảnh và vai trò của nước Pháp tại lục địa đen - nơi đang là khu vực nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế. Ngoài Pháp, hiện Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, các quốc gia Arab vùng Vịnh và các nước khác cũng gia tăng sự cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Phi.
Với quan điểm khác những người tiền nhiệm, ông Emmanuel Macron cho rằng, các cộng đồng châu Phi sống ở Pháp, đặc biệt là giới trẻ, là một thế mạnh trong ngoại giao kinh tế vùng phía Nam Địa Trung Hải. Việc thành lập Hội đồng châu Phi thuộc Văn phòng Tổng thống, trong đó 7/9 thành viên đến từ các nước vùng Maghreb và Sahara - kênh thu thập nhiều ý kiến khác so với các kênh ngoại giao và quốc phòng truyền thống được coi là bước đi mới trong quan hệ giữa Pháp và lục địa đen. Gần 2 năm sau khi thành lập, hội đồng cũng đóng vai trò đặc biệt với mục tiêu đem đến một diện mạo khác cho chính sách của Pháp ở châu Phi.
Mới đây, Tổng thống Macron mới đây đã công bố các biện pháp hỗ trợ các doanh nhân có ý định đầu tư vào châu Phi hoặc tạo điều kiện cho các kỹ thuật viên mong muốn làm việc tại các nước châu Phi. Trong đó có 3 trụ cột truyền thống trong quan hệ giữa Pháp với các nước châu Phi, bao gồm hiện diện quân sự, bảo đảm tài chính và hệ thống viện trợ phát triển. Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh từ năm 2017, Paris đã đánh mất danh hiệu là nhà cung cấp hàng đầu châu Âu vào tay Đức và thị phần xuất khẩu của Pháp vào châu Phi đã giảm 50% từ năm 2000 đến 2017. Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của Hội đồng Các nhà đầu tư Pháp tại châu Phi, Pháp chỉ được coi là đối tác có lợi thứ 7 cho lục địa này, thua xa Trung Quốc, Đức và Nhật Bản.
Lý do nằm ở chỗ, trước đây Pháp thường trợ giúp các nước thuộc địa cũ ở châu Phi thông qua các chương trình viện trợ phát triển nhưng trong 10 năm trở lại đây Pháp dường như âm thầm cắt hết khoản viện trợ trên, khiến không ít nước châu Phi cảm thấy bất mãn. Tuy nhiên, thông qua chuyến thăm châu Phi lần lượt diễn ra từ năm 2017 và 2019 của Tổng thống Macron, quan hệ giữa Pháp và châu Phi dần được cải thiện. Ông Macron đã làm mới lại hình ảnh nước Pháp vốn bị xấu đi khá nhiều trong vài năm qua ở châu Phi và dùng chính lợi thế của cá nhân mình, là một tổng thống trẻ có sức thu hút, để thực hiện điều đó. Đã có nhận định cho rằng, nếu ông Emmanuel Macron thúc đẩy thành công chính sách xoay trục lại châu Phi, một chương sử hoàn toàn mới sẽ mở ra trong lịch sử quan hệ giữa hai bên.