Cần thị trường công khai, minh bạch
Luật Di sản văn hóa của Việt Nam đã thừa nhận thị trường cổ vật, đó là bước chuyển tích cực trong nhận thức xã hội. Tuy nhiên, thực tế sau hơn 20 năm thực hiện, dường như thị trường cổ vật Việt Nam chưa có sự chuyển biến đáng kể.
Các hiện vật cổ được khai quật tại di chỉ khảo cổ Vòng thành Đá Trắng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Đã có thời điểm, giới chuyên môn, quản lý tính đến việc hình thành những khu phố chuyên doanh với nhiều cửa hàng mua bán di vật, cổ vật vừa để giới thiệu và quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam vừa phục vụ du lịch như: Nghi Tàm (Hà Nội), Lê Công Kiều (TPHCM), thực tế, đến nay vẫn chưa có gì bài bản, chuyên nghiệp. TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Bộ VH-TT-DL), phân tích: “Một số chợ đồ cũ tại TPHCM, Hà Nội và một vài địa phương khác, các hội nhóm đồ cổ trên mạng xã hội cũng có chiều hướng phát triển, nhưng chưa đem lại một bản sắc riêng như đã thấy ở Pháp, Anh, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật đã được tổ chức ở các địa phương, thông qua các hội cổ vật ở một số tỉnh, thành hoặc vài câu lạc bộ của người yêu cổ ngoạn nhưng chưa đủ tính chuyên nghiệp, phần lớn chỉ công khai với mục đích khiêm tốn nhằm gây quỹ từ thiện”.
TS Phạm Quốc Quân nêu ví dụ cụ thể như ở Trung Quốc hàng chục năm trước, mỗi tỉnh đều có cửa hàng văn vật, để mua, bán cổ vật. Họ phân loại và đánh giá cổ vật có giá trị thì nhượng lại cho bảo tàng, cổ vật, di vật bình thường thì bán cho người sưu tập. Song song với hình thức này, sàn đấu giá của các công ty tư nhân và nhà nước vẫn hoạt động, đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho ngân sách quốc gia.
Tại Việt Nam, thị trường cổ vật đầy tiềm năng phát triển nhưng chưa thành công một phần do những điều luật và nghị định chưa đi vào cuộc sống. “Tôi có thể đoán chắc rằng, những quy định của nghị định về tiêu chuẩn chủ cửa hàng, về diện tích cửa hàng, về phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ cửa hàng… phần lớn không đạt yêu cầu do thiếu kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn. Việc lẫn lộn đồ thật, giả còn nhiều, do thiếu minh bạch làm cho thị trường cổ vật thiếu lành mạnh, không thu hút người chơi và khách tham quan, làm mất đi vẻ tao nhã và thanh lịch của một thú chơi đẳng cấp, mà cửa hàng, phố cổ vật lẽ ra phải là điểm đến ưa thích”, TS Phạm Quốc Quân phân tích.
Gian nan “hồi hương”
Theo nhiều nhà sưu tầm cổ vật, việc hồi hương cổ vật Việt Nam không hề đơn giản mà ngược lại vô cùng phức tạp nhìn trên nhiều phương diện. Câu chuyện về cặp đôn gốm Cây Mai của nhà sưu tập V. từng một thời gây xôn xao giới sưu tầm đồ cổ ở TPHCM. Sau khi đấu giá thành công tại Pháp với giá trị hàng ngàn EUR, anh V. đăng ký chuyển cặp đôn về nước nhưng vướng ngay thủ tục hải quan bởi theo quan điểm của họ thì đây là “hàng tiêu dùng đã qua sử dụng”, không được phép nhập khẩu. Vụ kiện kéo dài từ năm 2018 đến 2022, sau nhiều phiên tòa, 2 lần thẩm định với 2 kết quả mâu thuẫn nhau, trở thành nỗi ngao ngán khi các nhà sưu tập mua, đấu giá thành công đồ cổ, cổ vật… nhưng lối về cố hương lắm gian nan bởi thủ tục, giấy tờ.
Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cho biết, tất cả bảo tàng công lập trong nước hiện đều chưa đủ điều kiện đáp ứng hoặc tham gia các phiên đấu giá cổ vật quốc tế. Muốn mua một hiện vật cho bảo tàng, đơn vị phải thực hiện đủ các thủ tục để đảm bảo nguyên tắc khoa học, tài chính và cần rất nhiều thời gian. Mỗi cổ vật đem ra đấu giá thường niêm yết trước 2 tuần, từng đó thời gian rất khó hoàn thành các thủ tục hành chính, vì thế nhiều chuyên gia đã nghĩ tới việc nên lập một quỹ có đủ tiềm lực dành riêng cho việc này. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Campuchia… đã có hẳn một chiến lược hồi hương cổ vật có giá trị với những cơ chế, chính sách đủ mạnh, chưa kể họ đã tham gia vào các Công ước của UNESCO để tạo thuận lợi trong quá trình đàm phán. Vì vậy, việc hồi hương cổ vật Việt Nam có thuận lợi hay không phụ thuộc rất lớn vào cơ chế, chính sách và cả sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước.
Ngày 2-11-2015, Bộ Tài chính có Văn bản số 16192/BTC-TCHQ về việc không thu thuế giá trị gia tăng các cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam bị lưu lạc ở nước ngoài nay được nhập khẩu trở lại, không vì mục đích thương mại, kinh doanh, chỉ để bảo tồn, gìn giữ giá trị lịch sử của dân tộc khi được Bộ VH-TT-DL xác nhận là cổ vật. Theo một số chuyên gia, chính văn bản quy định này đã vô tình làm khó khi không khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia một cách tích cực vào việc hồi hương cổ vật Việt Nam.
Do hoàn cảnh lịch sử, đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cổ vật Việt Nam còn ở nước ngoài khá nhiều. Ngược lại, cũng do hoàn cảnh lịch sử của khối đồng văn (những quốc gia cùng châu lục, có nét tương đồng về văn hóa - lịch sử) cũng khiến cho nhiều cổ vật giá trị của nước ngoài hiện đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam. Chính vì thế, để khai thác và phát huy tiềm năng của cổ vật, cần một cơ chế, chính sách để giá trị xưa được “hồi hương” thuận lợi. Một thị trường đủ chuyên nghiệp, để tiềm năng cổ vật thực sự trở thành nhân tố của ngành công nghiệp văn hóa, mang lại những giá trị và trị giá thiết thực cho quốc gia.
Phản hồi:
Liên quan đến những vấn đề mà loạt bài “Khơi nguồn giá trị trăm năm” Báo SGGP đã đặt ra như thẩm định cổ vật, sàn đấu giá chuyên nghiệp, cơ chế để cổ vật “hồi hương”…, PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đã có ý kiến như sau:
Chưa có chứng chỉ cho chuyên gia giám định cổ vật
Có thể khẳng định, hiện chưa có văn bản nào quy định về việc cấp chứng chỉ cho chuyên gia giám định cổ vật, nên chưa có việc đăng ký và cấp chứng chỉ. Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tại khoản 6 Điều 65 quy định: “Giấy chứng nhận chuyên gia giám định di vật, cổ vật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 5 điều này”. Tiêu chuẩn về chuyên gia giám định cổ vật được đưa từ Thông tư số 02/2017/TT-BVHTTDL lên (thực tế thực hiện trong 6 năm qua không có phản ánh về vướng mắc của các tiêu chuẩn).
Bảo hiểm và định giá cổ vật, bảo vật quốc gia
Hiện tại, chỉ trong trường hợp đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản thì mới tiến hành xác định giá trị bằng tiền để làm cơ sở cho việc mua bảo hiểm (theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Di sản văn hóa năm 2001).
Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tại Điều 79, ngoài việc bắt buộc phải có bảo hiểm khi đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài, Ban soạn thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã tính đến việc phải mua bảo hiểm cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia khi đưa đi trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước trong “trường hợp xét thấy cần thiết”.
Số lượng bảo vật quốc gia hiện có chưa nhiều, có thể tiến hành đánh giá, xác định giá trị bằng tiền đối với bảo vật quốc gia là cổ vật (thông qua so sánh giá trị của hiện vật tương tự trên thị trường trong nước và quốc tế). Tuy nhiên, đối với bảo vật quốc gia là di vật liên quan đến lịch sử, cách mạng, kháng chiến… thì chưa có cách nào để xác định giá trị bằng tiền. Vì vậy, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này để đề xuất quy định, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Dự thảo luật đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cố tình làm hủy hoại, sai lệch hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, gồm quỹ của quốc gia, quỹ của các địa phương, quy định các nội dung nhiệm vụ và lĩnh vực được sử dụng quỹ, trong đó có nội dung mua và đưa cổ vật của Việt Nam từ nước ngoài về nước. Ngoài ra, việc nghiên cứu khả năng tham gia Công ước Unidroit (1995) về di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp, buôn bán trái phép ra nước ngoài cũng là một giải pháp cần xem xét nghiêm túc.