Rút ngắn khoảng cách nhà trường - doanh nghiệp
Cũng giống như trong những ngành công nghiệp khác hiện nay, khoảng cách giữa chất lượng đào tạo của nhà trường và nhu cầu thực sự của doanh nghiệp đối với nguồn nhân sự là một tồn tại chưa thể giải quyết của ngành điện. Chương trình đào tạo ở nhà trường đảm bảo được kiến thức chuyên môn và thực hành tay nghề nhưng lại thiếu cơ hội cho các học viên tiếp cận với những thiết bị công nghệ cao và quy trình làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, 2 yếu tố này lại đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy các nhân sự trẻ thể hiện bản thân, làm chủ công nghệ tiên tiến và đóng góp nhiều hơn cho công ty. Thực tế này đã đặt ra nhu cầu bức thiết phải có những hỗ trợ, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường nhằm đưa ra một mô hình học tập - thực hành - phát triển kỹ năng, qua đó, rút ngắn khoảng cách giữa chất lượng đào tạo và yêu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp.
Tín hiệu tích cực
Được sự hỗ trợ từ Quỹ Schneider Foundation phối hợp Quỹ Đầu tư DEG, tổ chức phi chính phủ quốc tế ASSIST và Schneider Electric Việt Nam, chương trình “Đào tạo điện - Khởi nguồn cho Tương lai Xanh” là một trong những giải pháp nổi bật đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân sự ngành điện hiện nay bằng cách tập trung phát triển vào mảng đào tạo nghề và công nghệ trong ngành điện, quản lý năng lượng và kinh doanh bền vững.
Chương trình được khởi điểm bằng việc xây dựng và triển khai thành công phòng thực hành dự án “Đào tạo điện” tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng TPHCM nhằm phục vụ các chương trình đào tạo nghề điện chất lượng cao cho thanh thiếu niên không có may mắn trong cuộc sống. Phòng thực hành được chia thành 2 phần đào tạo: điện gia dụng và điện công nghiệp với rất nhiều giáo cụ trực quan, phương pháp học hiện đại (học viên tự đọc tài liệu, thực hành và yêu cầu sự hỗ trợ của giáo viên, trợ giảng chỉ khi cần thiết), tăng thời gian thực hành tại chỗ, trên các trang thiết bị được cập nhật thường xuyên. Chương trình đào tạo luôn cập nhật những kiến thức và dụng cụ ứng dụng mới nhất giúp học viên làm quen với nhịp độ thay đổi nhanh chóng của ngành. Học viên có cơ hội tiếp cận và ứng dụng ngay kiến thức vừa học ngay trên các mô hình thực tế tiên tiến, hiện đại.
Tiếp nối thành công sau 1 năm đưa phòng thực hành điện vào hoạt động (tháng 11-2016 đến tháng 11-2017) chương trình đã tiếp tục nhân rộng hoạt động sang lĩnh vực đào tạo cho giảng viên, học viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng TPHCM và doanh nghiệp khác có nhu cầu đào tạo nguồn nhân sự trẻ bằng các chương trình mới như hợp tác với giảng viên đến từ Pháp, hỗ trợ học phí, nơi ăn ở cho sinh viên kém may mắn hay ở xa. Qua đó, đảm bảo chất lượng giảng dạy theo đúng quy chuẩn quốc tế, góp phần đưa chương trình đến đúng đối tượng, đồng thời giúp sinh viên theo học có thêm nhiều lợi thế khi tìm đến các cơ hội nghề nghiệp ở những công ty nước ngoài. Một trong những thành công đáng kể được nhắc đến trong lễ kỷ niệm 1 năm hoạt động là những học viên sau khi tham gia khóa học đều được các doanh nghiệp tuyển dụng hài lòng và đánh giá cao về chất lượng và trình độ công việc. Đại diện Công ty Daphaco, một trong những doanh nghiệp tin tưởng lựa chọn chương trình “Đào tạo điện - Khởi nguồn Tương lai Xanh” để đào tạo nhân sự, chia sẻ: Chúng tôi cử 8 lao động theo học chương trình này với mong muốn các bạn nâng cao tay nghề và tiếp cận các quy trình, thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những gì mà Daphaco nhận lại được sau chương trình rất ấn tượng. Chúng tôi mong sẽ có nhiều khóa học tương tự, nhằm cải thiện chất lượng nhân lực ngành điện vốn đang rất thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn cao… Phi Yến, sinh viên năm thứ 3 của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng TPHCM, vừa tốt nghiệp khóa học, bộc bạch: Em được tiếp cận với nhiều thiết bị cao cấp mà các khóa học trong trường hiện tại chưa có điều kiện. Khóa đào tạo còn giúp em và các bạn có cơ hội được học về những kiến thức chưa có trong giáo án của chương trình đào tạo như điện mặt trời. Sau khi kết thúc khóa học này, em nghĩ mình sẽ tự tin hơn khi tìm việc trong tương lai.
Những kết quả thành công nhìn thấy được của chương trình “Đào tạo điện - Khởi nguồn cho Tương lai Xanh” sau 1 năm đi vào hoạt động, cùng các phản hồi tích cực từ các học viên, giảng viên và doanh nghiệp là tín hiệu đáng mừng để chương trình đào tạo tiếp tục được nhân rộng và phát triển trong thời gian tới. Việc này cũng nhằm đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chương trình: Hỗ trợ thanh niên không may mắn ở Việt Nam có nghề nghiệp ổn định trong tương lai cũng như góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên nghiệp trong sử dụng và quản lý điện, năng lượng cho Việt Nam.