Thương mại hóa, am hiểu sản phẩm
Có một thực tế đang tồn tại chính là khả năng kết nối giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học ở nước ta chưa thực sự hiệu quả. Chính vì thế, sản phẩm tiềm năng có khi chỉ được “nằm” trong các… phòng thí nghiệm, không được thương mại hóa để cung ứng cho thị trường.
Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Facebook Việt Nam, chia sẻ để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, cần phải am hiểu, đam mê lĩnh vực chuyên môn mà mình theo đuổi; đồng thời, phải biết cách thương mại hóa sản phẩm để cung ứng cho thị trường.
Bà Lê Diệp Kiều Trang khá có tiếng trong giới khởi nghiệp với dự án Misfit Wearables, chuyên về thiết bị đeo hỗ trợ sức khỏe, đo mức vận động cơ thể. Sau đó, Misfit Wearables được bán lại cho Fossil Group với giá 260 triệu USD.
Trước đây, nhân sự của Misfit Wearables chỉ khoảng 20 người, đều là người Việt Nam tốt nghiệp thủ khoa, á khoa từ các trường đại học tên tuổi của nước ngoài hoặc trường trong nước.
Một doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm để thu hút nhà đầu tư rót vốn
“Chính sức hút của Misfit Wearables đã giữ chân những nhân tài này. Kỹ năng làm việc để chuyển hóa sự thông minh thành những gì đó thực sự có ý nghĩa, hữu ích cực kỳ quan trọng. Thêm nữa, khởi nghiệp chính là trường học đẩy mình đi tới để mỗi ngày luôn học hỏi; điều này vô cùng hấp dẫn khiến mình gắn kết, say mê với công việc”, bà Lê Diệp Kiều Trang tâm sự.
Với TS Nguyễn Thanh Mỹ, khởi nghiệp ở tuổi 60 quả thực có gì đó rất thú vị. Sản phẩm phân bón thông minh tại tỉnh Trà Vinh của ông đã và đang tiêu thụ hiệu quả trong nước cũng như quốc tế, giúp tăng năng suất lúa lên hơn 10%, tăng thu nhập cho bà con nông dân khoảng 20%; giảm phát thải khí nhà kính khoảng 60% cũng như tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thiếu nước…
Ngoài ra, trong quá trình chế biến, ông Nguyễn Thanh Mỹ cũng đã đầu tư hàng chục triệu USD vào khâu sản xuất bao bì đóng gói thực phẩm, giúp tăng thời gian bảo quản (3 - 5 lần) thịt, cá, tôm cũng như nông sản bằng cách thay đổi nồng độ oxy, nitơ, carbon trong bao bì…
Thất bại cũng được… chào đón
Ông Shlomo Nimrodi, Giám đốc điều hành Ramot (Israel), thông tin văn hóa khởi nghiệp của Israel không ngừng chào đón sự đổi mới, sáng tạo, trong đó cả sự thất bại.
Khoảng 99% sinh viên Israel khởi nghiệp thất bại khi còn đi học, nhưng điều này không vấn đề gì. Sau khi ra trường, họ tiếp tục rút tỉa kinh nghiệm cho những lần khởi nghiệp tiếp theo để từ đó tiến đến thành công.
Thậm chí, mọi người còn động viên nhau rằng thất bại sớm để tiết kiệm thời gian, thất bại lớn tốt hơn những thất bại nhỏ. Ông Shlomo Nimrodi cho biết, ở Israel, các bạn trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp luôn được khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm hữu ích vì sức khỏe, môi trường sống bền vững…
Tuy vậy, bà Lê Diệp Kiều Trang cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, nhiều bạn trẻ ở Việt Nam tự mãn quá sớm khi đã có chút thành công, danh vọng. Điều này làm cản trở đáng kể đến những nấc thang phấn đấu tiếp theo.
Ngoài ra, còn có một vấn đề khác đáng báo động mà một số chuyên gia cảnh báo những bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp, chính là sự ảo tưởng về khả năng làm giàu. Mà điển hình là các phương thức làm giàu thông qua gia nhập sàn vàng ảo, bán hàng đa cấp… vẫn được nhiều bạn trẻ chạy theo.
Tới khi công an điều tra, khui ra những sai phạm thì mọi việc đã rồi, “doanh nhân” vỡ mộng. Một nhà đầu tư mạo hiểm (xin giấu tên) tâm sự, phong trào khởi nghiệp đã cổ vũ và có hiệu ứng tích cực để những người có kiến thức, am hiểu lĩnh vực chuyên môn được tiếp thêm sức mạnh và nghị lực làm giàu, điều này rất đáng khuyến khích.
Thế nhưng, đến với những đợt gọi vốn cũng có không ít bạn trẻ khởi nghiệp ảo tưởng về bản thân, bỏ qua những kiến thức căn bản về khởi nghiệp, không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư (mô hình kinh doanh không mới, ý tưởng cũ, sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…).
Rõ ràng, khởi nghiệp không phải là cuộc chơi ngắn ngày, phong trào thi đua cho vui kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Người khởi nghiệp phải chuẩn bị rất nhiều, cần tư vấn kỹ lưỡng, và trên hết có thể cung cấp được các sản phẩm mà thị trường đang thực sự cần.
Như nhận định của một chuyên gia kinh tế tại TPHCM, doanh nghiệp khởi nghiệp ngày nay không sợ thiếu vốn vì đã có các “nhà đầu tư thiên thần” sẵn sàng rót vốn. Nhưng để có thể trụ vững được, những bạn trẻ khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp cần biết cách “khoe hàng”, làm cho nhà đầu tư thấy tin cậy để bắt tay hợp tác phát triển thương hiệu.